Quy định tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động ?

Cập nhật: 21/03/2019 09:50 Lượt xem: 878

Trong tờ trình Chính phủ về dự án sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 lần 2 đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến người dân từ ngày 21/04/2017 đến ngày 21/06/2017, Bộ lao động thương binh xã hội đã đề cập đến phương án tăng độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động.


 Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ (Điều 187 Bộ luật Lao động 2012).

Thời gian qua, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu luôn được dư luận quan tâm và đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Lần sửa đổi Bộ luật Lao động này, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Các lý do chính cho đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là:

(1) Đây là một giải pháp nhằm bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.

Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn trong khi đối với một quỹ hưu trí thì tính bền vững tài chính của quỹ và tính đầy đủ trong mức hưởng của đối tượng là rất quan trọng. Theo tính toán của Tổ chức lao động quốc tế thì từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi trong năm, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả; từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết dẫn đến Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp [1].

Muốn bảo đảm bền vững tài chính của Quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, thì có hai cách: nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp hoặc giảm mức hưởng lương hưu của người lao động. Nâng mức đóng là khó vì tăng gánh nặng tài chính của người lao động và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó đảm bảo cuộc sống của người hưởng lương hưu.

Vì vậy, phương án được tính đến là đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng.

(2) Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2016 là 73,4 năm, trong đó nam là 70,8 năm, nữ là 76,1 năm [2]; trong khi, tuổi hưu trung bình của nam là 54,2 tuổi (Luật quy định là 60 tuổi) và nữ là 52,6 tuổi (Luật quy định là 55 tuổi). Có nghĩa là, thời gian hưởng lương hưu còn rất dài (trung bình là của nam là 16,6 năm; nữ là 23,5 năm). Thực tiễn, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp. Vì vậy, việc nâng tuổi nghỉ hưu là có thể thực hiện được.

(3) Dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số [3], trong tương lai thì lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động, góp phần tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có trình độ, kinh nghiệm trong bối cảnh sức khỏe người lao động càng cải thiện.

(4) Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động, có nước lên tới 67 tuổi.

Tuy nhiên nhiều ý kiến khác lại cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì các lý do sau đây:

(1) Nhiều người lao động không muốn kéo dài thời gian làm việc mà mong muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi hiện hành để hưởng lương hưu hàng tháng, sau đó, nếu làm việc thêm thì họ có 2 khoản thu nhập. Việc nâng tuổi nghỉ hưu, nghĩa là kéo dài thời gian làm việc để hưởng lương hưu sẽ làm giảm quyền lợi của người lao động (mất đi khoản lương hưu).

(2) Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước ta trong những năm vừa qua luôn cao hơn khoảng 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung toàn quốc. Cơ cấu dân số của nước ta hiện đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" và thời kỳ này còn kéo dài trên 1 thập kỷ nữa. Mô hình kinh tế của Việt nam đang chuyển đổi từ mô hình thâm dụng lao động, phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu. Tất cả những yếu tố trên làm cho vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trẻ vẫn là một trong những áp lực lớn trong những năm tới đây;

(3) Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 54,17, tuy nhiên có những ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 (công nhân cạo mủ cao su, làm đường, dệt may, da giầy…);

(4) Kéo dài tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến chính sách cán bộ hành chính nhà nước, công tác quy hoạch;

(5) Nhiều người dân cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi đối với cán bộ, công chức khu vực hành chính, đây là biểu hiện của "tham quyền cố vị".

Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên dự thảo Bộ luật hiện đang thể hiện 2 Phương án tại Điều 148 để xin ý kiến:

Phương án 1 (hiện hành): Tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 01/1/2021 và theo lộ trình):

Tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 01/01/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.


 

[1] Nguyên nhân của việc mất cân đối là quan hệ giữa mức đóng và mức hưởng, thời gian đóng và thời gian hưởng chưa phù hợp. Vì dụ, một nam giới có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội, về hưu ở độ tuổi 60 sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% tiền lương trung bình đã đóng bảo hiểm xã hội. Trong 30 năm (360 tháng) tham gia bảo hiểm xã hội, mỗi tháng đóng 22% tiền lương thì người lao động này đóng vào quỹ 79 tháng lương trung bình. Số tiền này chỉ đủ chi trả trong 105 tháng lương hưu (hoặc 9 năm); nếu tính cả lãi suất đầu tư quỹ thì có thể trả đủ cho 12 năm lương hưu.

[2] Tình hình kinh tế xã hội năm 2016, Tổng cục Thống kê.

[3] Đánh giá của Quỹ dân số Liên hợp quốc.

Nguồn: Trích tờ trình Chính phủ về dự án sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 lần 2 đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ lấy ý kiến người dân từ ngày 21/04/2017 đến ngày 21/06/2017.

Trân trọng!

Bình luận

Tìm kiếm về pháp luật để thắc mắc của bạn được giải đáp

VD: đơn ly hôn ly hôn đơn phương tư vấn luật tư vấn pháp luật đơn khởi kiện công ty luật luật sư tư vấn

Liên hệ với chúng tôi

Hãy gửi câu hỏi của bạn đến với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất

Tin xem nhiều nhất

Ngày đăng: 21/04/2023
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Khi tiến hành thu hồi, người đang sử dụng đất sẽ không còn quyền sử dụng ...

HÃY GỬI CÂU HỎI CỦA BẠN
ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TỐT NHẤT

Về đầu trang