GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẠI HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG
Cập nhật:
28/06/2023 10:03
Lượt xem:
428
Giải quyết tranh chấp lao động ở Hội đồng trọng tài lao động diễn ra như thế nào?
Trọng tài lao động là phương thức giải quyết tranh chấp lao động mà theo đó trọng tài viên hoặc Hội đồng trọng tài có thẩm quyền sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp lao động dựa trên cơ sở các nguyên tắc nhất định theo sự thỏa thuận hợp pháp của các bên tranh chấp hoặc theo quy định của pháp luật. Phán quyết của trọng tài có giá trị bắt buộc thi hành với các bên.
Giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án khi các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Đối với giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài lao động phải dựa trên cơ sở đồng thuận của các bên tranh chấp, theo đó Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết đối các tranh chấp lao động cá nhân (Điều 190 Bộ luật lao động 2019) và tranh chấp lao động tập thể về quyền (Điều 191 Bộ luật lao động 2019), tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (Điều 195 Bộ luật lao động 2019).
Các tranh chấp đó đã được đề nghị giải thông qua hòa giải tại cơ sở hoặc hòa giải viên lao động. Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành; hết thời hạn hòa giải mà Hội đồng hòa giải cơ sở; hòa giải viên không thực hiện giải quyết tranh chấp thì các bên trên cơ sở đồng thuận có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc.
1. Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động
Căn cứ quy định tại Điều 189 Bộ luật lao động năm 2019 thì giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của
Hội đồng trọng tài lao động được thực hiện như sau:
- Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 188 của Bộ luật lao động 2019. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
- Trường hợp hết thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đơn đề nghị mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động
Căn cứ quy định tại Điều 193 Bộ luật lao động năm 2019 thì giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động được tiến hành như sau:
- Nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền theo đúng quy định.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
- Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 Bộ luật lao động 2019 mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động thì trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Khi hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
3. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động
Điều 197 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động như sau:
- Nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp theo đúng quy định pháp luật.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
- Khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp.
- Khi hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật lao động năm 2019 để đình công.
Trên đây là quy định pháp luật liên quan đến “Giải quyết tranh chấp lao động tại Hội đồng trọng tài lao động”. Để được tư vấn trong từng trường hợp cụ thể và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật, Quý khách hàng có vướng mắc vui lòng liên hệ trực tiếp đến Luật Tia Sáng để được tư vấn, giải đáp kịp thời.
---------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (𝑳𝑺 𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑻𝒉𝒊̣ 𝑩𝒊́𝒄𝒉 𝑵𝒈𝒐̣𝒄)
tiasanglaw@gmail.com
http://tiasanglaw.com/
http://luattiasang.vn
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
Trân trọng!