Có thể bảo lưu ngày phép năm cũ khi qua năm mới không ?
Cập nhật:
27/05/2019 09:25
Lượt xem:
1196
Xin chào Luật sư, Ngày 10-01-2018 công ty em phát cho nhân viên bản kê lương 12 tháng của năm 2017 kèm số ngày phép năm 2017. Số ngày phép năm 2017 của em là 6,5 ngày, chị đồng nghiệp khuyên em cố gắng nghỉ hết số ngày phép trên trước tháng 03/2018.
Nếu không sang tháng 04/2018 sẽ bị công ty hủy, không bảo lưu sang năm khác. Em rất ngạc nhiên nên có hỏi những đồng nghiệp khác và được cho biết quy định này đã có từ lâu. Em thắc mắc là trong trường hợp nếu mình bị bệnh hoặc tai nạn giao thông phải nghỉ việc dài hạn (nhiều tuần đến vài tháng) và số ngày phép của (các) năm trước đã bị hủy hết, khi đó công ty sẽ trả cho nhân viên 75% lương trên mỗi ngày nghỉ. Em cảm thấy thiệt thòi khi công ty hủy hết ngày phép năm cũ của nhân viên.
Vậy quy định trên tại nơi em đang làm việc có sai luật lao động không ? Nếu có, em có được quyền khiếu nại hoặc kiện lên cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết thỏa đáng không ?
Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn
Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật lao động 2012 quy định về nghỉ hàng năm :
"1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.
3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần."
Theo đó nếu trong năm 2017 bạn chưa nghỉ phép nhưng công ty tính cho bạn 6,5 ngày nghỉ phép là đang vi phạm quy định của Luật lao động, người lao động được nghỉ tối thiểu là 12 ngày. Hiện tại pháp luật ghi nhận quyền được nghỉ phép năm của người lao động, nhưng không quy định việc cộng dồn nếu năm trước không nghỉ, mà việc này căn cứ vào từng trường hợp cụ thể của công ty, thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bạn nên tìm hiểu thêm trong nội quy lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể của Công ty bạn quy định về việc thỏa thuận nghỉ phép năm như thế nào? Nếu không có quy định khác, bạn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ phép năm 2017 sang năm 2018.
Bên cạnh đó thì trường hợp nghỉ hằng năm mà người lao động chưa nghỉ thì giải quyết theo Điều 114 Bộ luật lao động 2012 :
"1.Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.
2.Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền."
Theo đó, Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm tại Điều 114 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
- Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm;
- Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.
- Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều này chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
Như vậy, dựa vào trường hợp cụ thể của mình, bạn có thể biết chính xác số tiền bạn được thanh toán với số ngày nghỉ phép hàng năm chưa nghỉ.
Về việc khiếu nại trong Nghị định 119/2014/NĐ-CP cũng đã có quy định chi tiết về thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động tại Điều 15. Cụ thể:
+ Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại.
+ Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của người sử dụng lao động hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định 119/2014/NĐ-CP mà khiếu nại không được giải quyết.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0989.072.079 . Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng!