YÊU CẦU ÁP DỤNG BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Cập nhật: 27/11/2022 14:46 Lượt xem: 556

Phòng vệ thương mại là công cụ chính sách được Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Cùng với tăng trưởng xuất khẩu cao, nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng đang ngày càng trở nên cấp thiết. Doanh nghiệp cần chú ý đến công cụ này để có thể yêu cầu Chính phủ sử dụng nhằm bảo vệ lợi ích của mình trước hàng hoá nhập khẩu nước ngoài khi cần thiết. Bài viết dưới đây của Công ty Luật Tia Sáng sẽ hướng dẫn doanh nghiệp về những quy định chung và trình tự yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) theo pháp luật Việt Nam và các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

1) Các biện pháp phòng vệ thương mại

Quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017. Các biện pháp phòng vệ thương mại là tên gọi chung của ba biện pháp:

   + Biện pháp chống bán phá giá (ADP) là biện pháp được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được xác định bán với giá thấp hơn giá thông thường và gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Giá thông thường để so sánh có thể là giá bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một quốc gia thứ ba hoặc giá do Cơ quan điều tra (Cục phòng vệ thương mại) xác định

   + Biện pháp chống trợ cấp là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Trợ cấp là sự đóng góp của Chính phủ hoặc tổ chức công dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, tuy nhiên không phải bất kỳ hình thức trợ cấp nào cũng bị áp dụng biện pháp chống trợ cấp

   + Biện pháp tự vệ là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp tự vệ bao gồm: áp dụng thuế tự vệ; hạn ngạch nhập khẩu; hạn ngạch thuế quan; các giấy phép nhập khẩu; các biện pháp tự vệ khác…

Để đi đến quyết định áp dụng một biện pháp PVTM, các hiệp định của WTO quy định nước nhập khẩu phải tiến hành một quy trình điều tra, phân tích trên cơ sở thu thập thông tin từ các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của nước ngoài và doanh nghiệp nhập khẩu

Cơ sở để bắt đầu một quy trình điều tra đó là dựa trên hồ sơ yêu cầu của doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước hoặc của Cục phòng vệ thương mại nếu không có bên yêu cầu khi nhận thấy hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp hoặc nhập khẩu quá mức gây ra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

2) Trình tự điều tra vụ việc phòng vệ thương mại

Mỗi biện pháp PVTM có một quy trình điều tra riêng dựa trên đặc thù của hành vi.

Việt Nam đã có một hệ thống quy định pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO, tuy nhiên cần chú ý đến quốc tịch của nước bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM. Trong trường hợp Việt Nam và nước bị điều tra là thành viên của hiệp định đa phương, song phương thì quy chế điều chỉnh sẽ dựa theo Hiệp định chung đã ký kết giữa các bên (ví dụ: EVFTA, UKVFTA…)

a) Thời hạn điều tra vụ việc phòng vệ thương mại

Thời kỳ điều tra để xác định việc bán phá giá, trợ cấp là 12 tháng đến 18 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra. Việc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ được kết thúc trong thời hạn 09 tháng đến 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra

b) Trình tự yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

Tổ chức, cá nhân tiến hành nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp PVTM đến Cục phòng vệ thương mại, hồ sơ yêu cầu bao gồm Đơn yêu cầu và các giấy tờ, tài liệu có liên quan. Đối với từng biện pháp, đơn yêu cầu phải bao gồm những nội dung đáp ứng quy định của pháp luật quản lý ngoại thương

Cục phòng vệ thương mại thông báo về tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu trong vòng thời hạn 15 ngày kể từ nhận được hồ sơ. Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ ra quyết định điều tra hoặc không điều tra dựa trên kiến nghị của Cục trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có thông báo hồ sơ hợp lệ

Hồ sơ được cơ quan điều tra thẩm định dựa trên những nội dung sau đây:

   +  Xác định tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước của chủ thể nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp PVTM

   +  Xác định chứng cứ về việc bán phá giá, trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn chặn đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước

Sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra vụ việc phòng vệ thương mại các tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký tham gia vụ việc điều tra với tư cách các bên liên quan. Sau đó Cục phòng vệ TM sẽ tiến hành gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan và trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản câu hỏi điều tra các bên có nghĩa vụ phải trả lời đầy đủ bản câu hỏi điều tra bằng văn bản

Trong quá trình điều tra, Cục phòng vệ thương mại có thể tham vấn riêng với các bên liên quan theo văn bản yêu cầu. Phiên tham vấn được tiến hành công khai và các bên liên quan phải tiến hành đăng ký những vấn đề cần tham vấn trong thời hạn 07 ngày. Ngoài ra, các bên liên quan có thể đề nghị Cục PVTM bảo mật thông tin mình đã cung cấp trong quá trình điều tra (bí mật kinh doanh, quy trình sản xuất, thông tin của khách hàng, nhà phân phối, thông tin tài chính của doanh nghiệp….)

Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định có hay không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại dựa trên kết luận điều tra của Cục phòng vệ thương mại. Trên cơ sở kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời trước khi chính thức áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức dựa trên kết luận điều tra cuối cùng.

c) Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM

Trường hợp bên liên quan có hành vi trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực thì theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân hoặc Cơ quan điều tra tiến hành lập hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại trong trường hợp không có bên yêu cầu nhưng có dấu hiệu về hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, Cục PVTM tiến hành gửi hồ sơ yêu cầu đến Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định điều tra.

Bình luận

Tìm kiếm về pháp luật để thắc mắc của bạn được giải đáp

VD: đơn ly hôn ly hôn đơn phương tư vấn luật tư vấn pháp luật đơn khởi kiện công ty luật luật sư tư vấn

Liên hệ với chúng tôi

Hãy gửi câu hỏi của bạn đến với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất

Tin xem nhiều nhất

Ngày đăng: 21/04/2023
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Khi tiến hành thu hồi, người đang sử dụng đất sẽ không còn quyền sử dụng ...

HÃY GỬI CÂU HỎI CỦA BẠN
ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TỐT NHẤT

Về đầu trang