Sổ đỏ/Sổ hồng – Ma trận thật, giả
Cập nhật:
24/06/2022 16:28
Lượt xem:
650
Thời gian vừa qua, trong phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc làm giả sổ đỏ, sổ hồng… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng khiến nhiều dư luận không khỏi bàng hoàng và xôn xao. Trên phương diện pháp lý, hành vi của các đối tượng sử dụng sổ đỏ/sổ hồng giả để thực hiện các giao dịch mua bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS. Hình phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Bên cạnh đó, hành vi làm giả giấy tờ còn có thể bị xử lý hình sự về “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, căn cứ vào Điều 341 BLHS, mức phạt cao nhất cho hành vi này bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
Từ những vụ việc làm giả sổ đỏ/sổ hồng trên, người dân, cần lưu ý hết sức cảnh giác trong các giao dịch mua bán nhà đất. Và phải thật tỉnh táo để có thể phân biệt sổ đỏ/sổ hồng Thật và Giả. Dựa trên cơ sở tổng hợp nghiên cứu về sổ hồng/sổ đỏ Thật và Giả thì:
1. Có những cách phân biệt thật, giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/Quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCN) sau đây:
Thứ nhất, tự mình kiểm chứng thông tin tờ GCN xem nó là thật hay giả
Nếu là giấy giả thì các thông tin sẽ thường có vấn đề như sau: (i) Ghi sai nội dung về chủ sở hữu, về tình trạng đất, loại đất, mục đích sử dụng đất. Hoặc các thông tin có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa chữa, có những dấu hiệu khác thường so với thực tế; (ii) Màu sắc, độ đàn hồi, sự dày mỏng của kiểu chữ, nét chữ, màu dấu, con dấu, màu mực …không giống như những loại Giấy thật bình thường; (iii) Sổ đỏ, sổ hồng giả do in màu kỹ thuật số nên chi tiết in không sắc nét, trên cùng một chi tiết in có nhiều hạt mực có màu đậm nhạt khác nhau; Kiểm tra các vị trí có thể bị tẩy xóa cơ học: Số tờ, số thửa, mã vạch; (iv) Số vào sổ quyết định; Loại đất, Thời hạn; Hình thức sử dụng, Diện tích (bằng số, bằng chữ); (v) Đối với các sổ có trang bổ sung cần kiểm tra phương pháp in của phôi trang bổ sung (in offset), dấu giáp lai của trang phụ lục với sổ (kiểm tra phương pháp đóng dấu), các vị trí của trang bổ sung có bị tẩy xóa hay không (chuyển quyền sử dụng đất, diện tích…); (vi) Nếu sổ đã thế chấp nhiều lần cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất hoặc phòng tài nguyên và môi trường.
Thứ hai, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng giám định thực hiện việc giám định xác định tính Thật, Giả của tờ GCNQSDĐ/QSHNỞ&TSGLVĐ
Khi cảm thấy không tự tin vào bản thân mình trong việc phân biệt Giấy Thật Giả, bạn sẽ phải cần tìm đến những người có đủ thẩm quyền, chức năng, có chuyên môn chẳng hạn như tìm đến các Văn phòng công chứng, tìm đến các Công chứng viên, hoặc tìm đến cơ quan Nhà nước (Phòng Tài nguyên Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai…) để họ tra cứu, nhận biết về tính Thật, Giả của loại giấy đó thông qua việc: xem xét màu mực, màu chữ, thông tin, loại giấy,….Họ sẽ là những giám định viên, tổ chức giám định đủ chức năng giám định loại giấy mà bạn cung cấp và cho bạn một kết luận hợp lý. Khi tìm đến những đơn vị, cá nhân này, bạn buộc phải chịu mất một khoản chi phí để có thể phân biệt được Thật, Giả của GCN.
Tất nhiên, sẽ có những GCN Giả giống y như GCN Thật, điều này bạn không thể phân biệt được, không thể tự mình phân biệt nổi, thậm chí có những Công chứng viên hoặc Văn phòng công chứng lâu năm với nhiều kinh nghiệm cũng khó nhằn khi phân biệt được nó. Lúc này, bạn sẽ phải cần tìm đến các tổ chức giám định. Dù giống y như đúc thỉ Giả sẽ không bao giờ giống được 100 % với Thật. Ngoài ra, trên thực tế còn có nhiều cách kiểm tra khác nhau, như kiểm tra bằng đèn pin, bằng kính núp…Tuy nhiên, những phương pháp này có tính chính xác không cao, bạn có thể cân nhắc lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu của bạn!
2. Lời khuyên chân tình:
(i) Khi giao dịch mua nhà, thuê nhà, bạn cần xem xét thật kỹ các Giấy tờ, trong đó quan trọng nhất là Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, tài sản gắn liên trên đất. Nếu bạn xem qua loa, sau này gặp rủi ro mua phải căn nhà, mảnh đất đã được bán qua tay nhiều người hoặc mua qua sổ giả bị người ta lừa mất tiền
(ii) Bạn cần phải có sự chắc chắn về tính Thật, Giả của Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì mới quyết định mua/hoặc thuê….Trong trường hợp để có thể xác thực tính thật giả, bạn cần đến trực tiếp nơi nhà, nơi đất được cấp GCN đó. Ngoài ra bạn cũng cần xem thêm các giấy tờ khác liên quan đến nhân thân người bán để củng cố thêm niềm tin.
(iii) Cần liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai để có niềm tin cao nhất khi giao dịch bất động sản, qua đây bạn sẽ có cơ sở xác minh những băn khoăn, lo lắng của bạn. Tất nhiên sẽ phải chịu mất ít chi phí để nhận sự hỗ trợ của các chuyên viên, nhân viên tại Văn phòng. Nhưng chi phí đó bỏ ra cũng xứng đáng vì nó giúp bạn thêm niềm tin mãnh liệt hơn.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Tia Sáng về chủ đề “Sổ đỏ/sổ hồng – Ma trận Thật Giả”
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share nhé.
Cảm ơn bạn đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý bổ sung từ bạn để các bài chia sẻ sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.