Rủi ro khi người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên bất động sản
Cập nhật:
03/06/2022 10:36
Lượt xem:
775
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được đứng tên bất động sản tại Việt Nam, nhưng vì nhu cầu thực tế, nhiều người đã bỏ tiền ra mua bất động sản và nhờ người Việt Nam đứng tên dùm.
Tuy nhiên, việc đứng tên dùm bất động sản có thể xảy ra các rủi ro khó lường mà người bỏ tiền mua bất động sản nên biết.
Người đứng tên dùm bất động sản là chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp. Họ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt bất động sản này mà không phụ thuộc vào ý chí của người mua thật sự. Hai bên có thể làm cam kết với nhau về việc bên đứng tên hộ không được định đoạt bất động sản nếu không được sự đồng ý của người nhờ đứng tên hộ. Tuy nhiên, cam kết này chỉ mang tính chất chữ tín với nhau, không mang ý nghĩa ràng buộc pháp lý nếu người đứng tên hộ cố tình định đoạt bất động sản này.
Các trường hợp có thể xảy ra khi người đứng tên hộ thực hiện việc định đoạt tài sản là bất động sản.
1. Bán, cho thuê bất động sản.
2. Cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng bất động sản cho các khoản vay tín dụng.
3. Ủy quyền cho người thứ 3 quản lý, sử dụng, định đoạt.
4. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh.
5. …
Một số rủi ro khác như người đứng tên hộ chết thì bất động sản trở thành di sản thừa kế của người này. Hoặc người đúng tên hộ có vợ/chồng mà khi muốn bán bất động sản này người còn lại không đồng ý, hoặc vợ/chồng ly hôn yêu cầu chia tài sản chung là bất động sản đứng tên hộ…
Người nhờ đứng tên hộ còn cần phải biết một điều quan trọng nữa. Theo Án lệ số 02, ngày 06/4/2016 thì người đứng tên hộ còn được hưởng công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất, nếu không xác định được công sức thì lợi nhuận phải được chia đôi. Ví dụ ông A nhờ ông B đứng tên hộ 1 bất động sản, giá mua là 1 tỷ đồng. Sau 2 năm, giá trị tăng lên 5 tỷ đồng. Nếu ông B yêu cầu ông A chia phần lãi 4 tỷ đồng thì theo Án lệ số 02.
Án lệ số 02, ông A buộc phải chia một phần lợi nhuận cho ông B, nếu không tính toán được công sức ông B thì buộc phải chia đôi.