Phát mại tài sản là gì? Khi nào Ngân hàng phát mại tài sản thế chấp?
Cập nhật:
30/12/2022 21:16
Lượt xem:
761
Khi thế chấp tài sản tại Ngân hàng để vay một khoản tiền nhưng sau đó rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, vậy trong trường hợp này Ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm như thông qua hình thức phát mại tài sản bảo đảm
1. Khái niệm phát mại tài sản.
Phát mại tài sản là công bố và bán tài sản công khai theo thủ tục do pháp luật quy định để thanh toán nợ khi bên thế chấp tài sản không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng đã ký kết.
Hành vi phát mại tài sản có thể do người sở hữu tài sản, do người có quyền theo hợp đồng (Bên nhận thế chấp được quy định tại hợp đồng thế chấp tài sản) hoặc theo quy định của pháp luật thực hiện nhằm thanh toán khoản nợ phát sinh từ giao dịch thế vay tiền có tài sản bảo đảm. Do liên quan đến nhiều bên nên pháp luật có các quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục phát mại tài sản. Tài sản phát mại có thể là động sản hoặc bất động sản.
2. Khi nào Ngân hàng phát mại tài sản thế chấp
Khi bên thế chấp tài sản không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm nghĩa vụ quy định tại hợp đồng thế chấp thì tài sản thế chấp có thể bị xử lý thông qua các phương thức theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự năm 2015.
"Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác".
Theo quy định trên, Ngân hàng có thể xử lý tài sản theo các phương thức bên dưới nếu ngân hàng và người thế chấp có thỏa thuận phương thức xử lý tài sản thế chấp khi ký hợp đồng thế chấp bao gồm:
- Bán đấu giá tài sản
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Phương thức khác
Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Khi vi phạm nghĩa vụ, không thực hiện hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng thì người thế chấp không có quyền định đoạt tài sản.
3. Những trường hợp nào Ngân hàng được quyền phát mại tài sản thế chấp
Trong các hợp đồng thế chấp, thường ngân hàng và bên thế chấp sẽ thỏa thuận điều khoản về xử lý tài sản đảm bảo, nếu bên vay vốn ngân hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu bên thế chấp chuyển giao tài sản thế chấp để phát mại. Nếu bên thế chấp đồng thuận về việc này thì ngân hàng có quyền tiếp quản tài sản và tiến hành thủ tục phát mại, đấu giá tài sản theo quy định.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn pháp lý, tránh rủi ro trong việc xử lý tài sản đảm bảo khi chủ sở hữu không tự nguyện bàn giao tài sản. Một số ngân hàng thương mại đã chọn phương án khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp.
Trên đây là một vài chia sẻ của Luật Tia sáng về “Phát mại tài sản là gì? Khi nào Ngân hàng phát mại tài sản thế chấp?”
Nếu mọi người thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share bài viết nhé.
Cảm ơn mọi người đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý, bổ sung từ mọi người để các bài viết sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.