Mua xe thế chấp ngân hàng có được giữ giấy đăng ký xe gốc?
Cập nhật:
25/04/2019 08:57
Lượt xem:
1199
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa có văn bản số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng.
Theo văn bản này, Cục Cảnh sát giao thông khẳng định việc xử phạt phương tiện tham gia giao thông mà không mang đăng ký gốc là đúng quy định. Vậy, đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì người mua xe có được giữa giấy đăng ký xe gốc hay không?
Điều 28, Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm của Chính phủ (ngày 29/12/2006) quy định việc giao lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho người yêu cầu đăng ký thế chấp:
1. Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật cho phép dùng quyền sử dụng đất hoặc tài sản có đăng ký quyền sở hữu để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự thì bên nhận thế chấp hoặc người thứ ba đang giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản phải giao lại giấy chứng nhận đó cho người yêu cầu đăng ký để thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp, trừ trường hợp các bên cùng nhận bảo đảm có thoả thuận khác về việc thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày hoàn thành việc đăng ký giao dịch bảo đảm, người yêu cầu đăng ký có trách nhiệm trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho bên nhận thế chấp hoặc người thứ ba có quyền giữ giấy chứng nhận đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Ngày 24/5/2017, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 3851/NHNN-PC về việc khách hàng thế chấp phương tiện giao thông. Theo đó, bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP.
Còn tại văn bản số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nêu rõ: "Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Như vậy, khi thế chấp để mua xe, khách hàng nên hỏi kỹ để được nhân viên ngân hàng tư vấn, từ đó có thể thực hiện các thủ tục cần thiết giữ lại giấy đăng ký xe gốc, thuận tiện cho việc tham gia giao thông. Bởi theo quy định, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử lý vi phạm hành chính nếu không có giấy đăng ký xe gốc.