KHÔNG GIAO CON THEO PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN CÓ BỊ XỬ LÝ HAY KHÔNG?
Cập nhật:
01/08/2023 13:55
Lượt xem:
366
Trong trường hợp chồng/vợ không chấp hành phán quyết của Tòa án về việc nuôi con sau ly hôn thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo báo VnExpress, anh Đ.T.K sau khi ly hôn với vợ đã không chấp hành bản án, không giao con 09 tháng tuổi cho vợ cũ nuôi dưỡng. Dù vợ cũ đã nhiều lần đến xin nhận lại con nhưng anh K vẫn một mực xua đuổi, không cho vợ cũ tiếp cận con.
Câu hỏi pháp lý đặt ra trong tình huống trên là: "Trong trường hợp chồng/vợ không chấp hành phán quyết của Tòa án về việc nuôi con sau ly hôn thì sẽ bị xử lý như thế nào?"
1. Xử phạt hành chính
Theo quy định tại khoản 3, Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã như sau:
"Điều 64. Hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thi hành án dân sự
…3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định;
b) Không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;
c) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;
d) Cung cấp chứng cứ sai sự thật cho cơ quan thi hành án dân sự…”
Như vậy: Sau khi có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc ai có quyền nuôi con mà người phải thi hành án không chịu chấp hành hay cố gắng trì hoãn việc giao con thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
2. Xử lý hình sự
Nếu chồng/vợ đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành phán quyết của Toà án mà vẫn tiếp tục vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội không chấp hành án" theo quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
"Điều 380. Tội không chấp hành án
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."
Nghĩa là: Người nào cố tình không chấp hành phán quyết của Toà án có thể bị phạt tù có thời hạn lên đến 05 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.
Do đó, người nào không chấp hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc nuôi con sau ly hôn, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
---------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (𝑳𝑺 𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑻𝒉𝒊̣ 𝑩𝒊́𝒄𝒉 𝑵𝒈𝒐̣𝒄)
tiasanglaw@gmail.com
http://tiasanglaw.com/
http://luattiasang.vn
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
Trân trọng!