HÀNH VI “BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG” CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Cập nhật:
15/05/2023 14:35
Lượt xem:
457
Bạo lực học đường luôn là vấn nạn nan giải của ngành giáo dục trong suốt nhiều năm qua. Mức độ, tính chất của các hành vi bạo lực học đường ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Nhiều học sinh bị bạo lực cả về mặt thể xác (bị đánh hội đồng, lột quần áo,...) lẫn tinh thần (đe dọa, xa lánh, bị nhục mạ,…). Như vậy, hành vi “bạo lực học đường” sẽ có thể bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hành vi học sinh không được
“- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác….
- Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng…”
Trong trường hợp có bạo lực học đường xảy ra thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý kỷ luật tại nhà trường, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
1. Xử phạt vi phạm hành chính
Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:
“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.”
Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm sẽ bị bị xử phạt vi phạm hành chính với lỗi cố ý và không áp dụng hình phạt tiền.
Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
Như vậy, nếu học sinh có hành vi bạo lực học đường mang tính chất nghiêm trọng như đánh bạn, tổ chức đánh bạn,… thì có thể bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm này.
2. Xử lý hình sự
Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều quy định tại khoản 2 điều 12 Bộ luật này.
Trường hợp người thực hiện hành vi bạo lực học đường từ đủ 16 tuổi trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự) với mức hình phạt cao nhất lên tới 18 năm tù; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự) với mức phạt được quy định trong điều luật này là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 5 năm.
Nếu người thực hiện hành vi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Trường hợp người thực hiện hành vi bạo lực học đường chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng đã đủ 12 tuổi thì tùy trường hợp có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Điều 89 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng theo Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
---------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (𝑳𝑺 𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑻𝒉𝒊̣ 𝑩𝒊́𝒄𝒉 𝑵𝒈𝒐̣𝒄)
tiasanglaw@gmail.com
http://tiasanglaw.com/
http://luattiasang.vn
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
Trân trọng!