CON NGOÀI GIÁ THÚ CÓ ĐƯỢC YÊU CẦU CẤP DƯỠNG KHÔNG?

Cập nhật: 09/08/2024 13:58 Lượt xem: 109

Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể như thế nào là “con ngoài giá thú”. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản “con ngoài giá thú” là con được sinh ra khi cha mẹ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp.

 

v Về quyền được cấp dưỡng:

Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khái niệm “cấp dưỡng” được quy định như sau: “việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.”

Căn cứ Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về “nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con” quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Đồng thời, theo khoản 4 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con không phân biệt “con ngoài giá thú” hay “con trong giá thú” (con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của cha mẹ). Theo đó, “con ngoài giá thú” chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì vẫn sẽ được đầy đủ quyền yêu cầu cấp dưỡng.

v Về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng:

- Về mức cấp dưỡng:

Căn cứ Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “mức cấp dưỡng” được xác định dựa trên thoả thuận của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó, về các khía cạnh như sau:

Ø Thu nhập và khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng;
Ø Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng;
Ø Trường hợp không thỏa thuận được về mức cấp dưỡng thì các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Về phương thức cấp dưỡng:

Căn cứ Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: 

“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

v Về mức xử phạt đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng:

- Mức xử phạt vi phạm hành chính:

Căn cứ Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phát đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như sau:

“Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”

Như vậy, nếu cha hoặc mẹ từ chối cấp dưỡng cho con, kể cả con ngoài giá thú thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc phải thực hiện việc cấp dưỡng theo quy định pháp luật.

Mức xử lý trách nhiệm hình sự:

Căn cứ Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là “BLHS 2015”) quy định “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” như sau:

“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Như vậy, nếu cha hoặc mẹ từ chối cấp dưỡng cho con, kể cả con ngoài giá thú thì không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt được BLHS 2015 quy định là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trên đây là quy định pháp luật liên quan đến “Con ngoài giá thú có được yêu cầu cấp dưỡng hay không?”. Để được tư vấn trong từng trường hợp cụ thể nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp đến Công ty Luật Tia Sáng để được tư vấn, giải đáp kịp thời.

Trân trọng!

---------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
0989.072.079 – Luật sư Lê Thanh Trang
0906.219.287 – Luật sư Nguyễn Thị Bích Ngọc
0965.921.058 – Luật sư Nguyễn Văn Thuỷ

tiasanglaw@gmail.com
http://tiasanglaw.com/
http://luattiasang.vn
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/

 

Bình luận

Tìm kiếm về pháp luật để thắc mắc của bạn được giải đáp

VD: đơn ly hôn ly hôn đơn phương tư vấn luật tư vấn pháp luật đơn khởi kiện công ty luật luật sư tư vấn

Liên hệ với chúng tôi

Hãy gửi câu hỏi của bạn đến với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất

Tin xem nhiều nhất

Ngày đăng: 21/04/2023
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Khi tiến hành thu hồi, người đang sử dụng đất sẽ không còn quyền sử dụng ...

HÃY GỬI CÂU HỎI CỦA BẠN
ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TỐT NHẤT

Về đầu trang