Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Cập nhật: 15/11/2022 14:41 Lượt xem: 620

Trước tác động của đại dịch Covid đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, đã khiến cho một số nhà đầu tư gặp không ít khó khăn trong việc triển khai các mục tiêu, dự án đầu tư kéo theo sự hoạt động không hiệu quả của các doanh nghiệp FDI. Việc lựa chọn chấm dứt dự án đầu tư, giải thể doanh nghiệp là một sự lựa chọn tối ưu. Để nhà đầu tư nước ngoài chấm dứt hoàn toàn các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình thì nhà đầu tư cần phải tiến hành đầy đủ các trình tự, thủ tục để giải thể doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp và các Luật khác có liên quan. Trong bài viết này, chúng tôi xin tóm tắt lại một số nội dung cụ thể để các nhà đầu tư có thể tham khảo:

 1/ Các trường hợp doanh nghiệp bị giải thể

- Kết thúc thời gian hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

- Theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

- Bị thu hồi giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật quản lý thuế có quy định khác

2/ Điều kiện giải thể

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi

- Đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác

- Không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài

Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

3/ Trình tự, thủ tục giải thể

Do đặc thù là có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài nên khi tiến hành giải thể doanh nghiệp cần thực hiện 3 khâu

Thứ nhất, chấm dứt dự án đầu tư : Nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam, thông báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư kèm theo bản sao tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Thứ hai, chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Thứ ba, tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp. Trong khâu này, doanh nghiệp cần giải quyết hai vấn đề chính là thủ tục pháp lý và thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ tài chính

Bước 1: Doanh nghiệp thông qua nghị quyết, quyết định giải thể và chuẩn bị các giấy tờ sau đây

a) Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp bao gồm những nội dung:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
  • Lý do giải thể;
  • Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
  • Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động
  • Họ, tên, chữ ký của chủ sở hữu công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị

Bước 2: Gửi thông báo về việc doanh nghiệp giải thể cho Phòng đăng ký kinh doanh

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định giải thể, doanh nghiệp gửi cho Phòng đăng ký kinh doanh

  •  Thông báo về việc giải thể;
  •  Biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
  • Phương án giải quyết nợ (nếu có)

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan.

Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ

Bước 3: Hoàn thành các nghĩa vụ tài chính; thanh lý tài sản công ty

Thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp. Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây:

 a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

 b) Nợ thuế;

 c) Các khoản nợ khác

Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp cho Phòng đăng ký kinh doanh

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ. Hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp bao gồm:

a) Thông báo về giải thể doanh nghiệp;

b) Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có)

Bước 5: Tiến hành thủ tục đóng mã số thuế

Theo điểm a, khoản 1, Điều 39 Luật quản lý thuế 2019 quy định doanh nghiệp giải thể thuộc trường hợp phải thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản chấm dứt hoạt động

Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;

b) Các giấy tờ khác có liên quan.

 

Bước 6: Hoàn trả con dấu

Doanh nghiệp sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp có trách nhiệm hoàn trả con dấu, giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu

Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giải thể

Doanh nghiệp cần làm việc đồng bộ với hai cơ quan, Cơ quan thuế và Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký giải thể, Phòng đăng ký kinh doanh tiến hành thông báo thông tin với Cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Cơ quan thuế sẽ gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh.

Phòng đăng ký kinh doanh ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp đồng thời chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia sang tình trạng đã giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký giải thể.

Bình luận

Tìm kiếm về pháp luật để thắc mắc của bạn được giải đáp

VD: đơn ly hôn ly hôn đơn phương tư vấn luật tư vấn pháp luật đơn khởi kiện công ty luật luật sư tư vấn

Liên hệ với chúng tôi

Hãy gửi câu hỏi của bạn đến với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất

Tin xem nhiều nhất

Ngày đăng: 21/04/2023
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Khi tiến hành thu hồi, người đang sử dụng đất sẽ không còn quyền sử dụng ...

HÃY GỬI CÂU HỎI CỦA BẠN
ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TỐT NHẤT

Về đầu trang