THỰC TIỄN XÉT XỬ - TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU TOÀN BỘ/VÔ HIỆU TỪNG PHẦN CỦA CÁC CẤP TOÀ

Cập nhật: 13/12/2022 13:02 Lượt xem: 1249

Thực tiễn xét xử ở nước ta cho thấy, các cấp Tòa án chưa thực sự có hướng giải quyết thống nhất trong việc quyết định tuyên bố hợp đồng vô hiệu từng phần hay vô hiệu toàn bộ.

 Các vụ việc được yêu cầu giải quyết nhiều nhất liên quan đến việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu từng phần có thể kể đến như:

(i) Một đồng thừa kế đem tài sản là di sản đi giao dịch mà Không có sự đồng thuận của các đồng thừa kế khác;

(ii) Vợ hoặc chồng đem tài sản chung của vợ chồng đi giao dịch những không có sự đồng ý của người còn lại;

(iii) Trường hợp một thành viên của hộ gia đình đem tài sản chung của hộ gia đình đi giao dịch mà không có sự đồng ý của các thành viên khác;

(iv) Hoặc một đồng sở hữu đem tài sản chung đi giao dịch mà không có sự đồng ý của những đồng sở hữu còn lại…

Các giao dịch này đều có đặc điểm liên quan đến các tài sản chung, tuy nhiên do tính chất của từng loại tài sản chung cũng như mối quan hệ giữa các “đồng sở hữu” với khối tài sản chung nên việc giải quyết vụ việc có những góc nhìn khác nhau – dẫn tới sự không thống nhất trong cách giải quyết vấn đề.

Điển hình một vụ việc được xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và đã được xem xét lại bằng thủ tục Giám đốc thẩm bởi Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết vụ án liên quan đến giao dịch dân sự do một trong hai bên vợ chồng định đoạt tài sản chung sau khi một trong hai bên đã chết.

Đây là vụ việc cho thấy sự không thống nhất về việc xác định hiệu lực của các giao dịch dân sự này – bởi cùng một tình tiết nhưng có Tòa án xác định giao dịch dân sự vô hiệu toàn bộ, có Tòa án xác định giao dịch dân sự vô hiệu một phần, có Tòa án xác định giao dịch dân sự có hiệu lực. Cụ thể vụ việc như sau: [1]

Cụ Nay Văn K và cụ Huỳnh Thị V có 07 người con chung. Hai cụ tạo lập được thửa đất đo thực tế là 890m2 thuộc thửa số 19, tờ bản đồ số 10, thị trấn N, huyện C, tỉnh G. Cụ K đã được cấp GCNQSDĐ cấp tạm thời ngày 23/10/1987 đối với diện tích đất 300m2.

Cụ V chết năm 1992, không để lại di chúc. Năm 2013, cụ K làm đơn báo mất GCNQSDĐ tạm thời để làm thủ tục cấp mới GCNQSDĐ. Ngày 22/10/2013, UBND huyện C cấp GCNQSDĐ đứng tên cụ K diện tích đất 890m2, gồm 300m2 đất thổ cư và 590m2 đất trồng cây lâu năm.

Ngày 01/11/2013 cụ K lập hợp đồng tặng cho vợ chồng anh C, chị L (là cháu nội của cụ K) 180,4m2 đất. Ngày 03/12/2013, anh C, chị L được cấp GCNQSDĐ.

Ngày 20/7/2016, anh C, chị L đã thế chấp QSDĐ nêu trên tại Ngân hàng C vay số tiền 1.200.000.000 đồng. Ngày 24/02/2014, cụ K lập hợp đồng tặng cho vợ chồng bà S, ông V (bà S là con gái cụ K) diện tích 233,5m2 đất. Ngày 31/3/2014, bà S và ông V được cấp GCNQSDĐ. Ngày 30/8/2016 bà S, ông V thế chấp quyền sử dụng đất nêu trên tại Ngân hàng A vay số tiền 3.050.000.000 đồng. Ngày 28/9/2017, cụ K lập hợp đồng tặng cho riêng bà S diện tích 476m2 đất. Ngày 02/11/2017, bà S được cấp GCNQSDĐ.Ngày 12/12/2017, bà S thế chấp QSDĐ tại Ngân hàng T vay số tiền 1.800.000.000 đồng.

Nguyên đơn là ông Nay Văn Tr khởi kiện cho rằng: Đất là tài sản chung của cụ K, cụ V (cha mẹ của ông) tạo lập, cụ K tặng cho vượt quá phần tài sản của cụ K là không đúng, xâm phạm đến quyền thừa kế của các đồng thừa kế khác. Ông Tr đề nghị Tòa án hủy GCNQSDĐ đã cấp cho cụ K, hủy các hợp đồng tặng cho QSD đất cụ K đã lập và trả lại nguyên trạng tài sản hai cụ tạo lập cho các đồng thừa kế.

Bị đơn là cụ Nay Văn K đã chết ngày 05/11/2018; người kế thừa quyền, nghĩa vụ của cụ K là bà S trình bày: Các Hợp đồng tặng cho QSDĐ giữa cụ K với bà là đúng quy định của pháp luật, bà đã được cấp GCNQSDĐ. Do đó, không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Quá trình giải quyết vụ án như sau: [1]

  •  Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2019/DS-ST ngày 26/8/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định (tóm tắt):

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Tr. Trong đó:

(i) Tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ K với ông V, bà S ngày 24/02/2014 vô hiệu, và

(ii) Tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 01/11/2013 giữa cụ K với anh C, chị L vô hiệu một phần đối với phần đất ngang 0,1m, dài 44m

  •  Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 14/2020/DS-PT ngày 24/02/2020, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.
  • Tại Quyết định giám đốc thẩm số 66/DS-GĐT ngày 07/12/2021, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định: Hủy Bản án dân sự phúc thẩm và Bản án dân sự sơ thẩm; Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh G giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

Nhận định của Quyết định giám đốc thẩm đối với những sai sót của Bản án sơ thẩm, phúc thẩm theo hướng (tóm tắt):

(i) Cần xác định diện tích đất 890m2 là tài sản chung của vợ chồng cụ V và cụ K. Cụ V chết năm 1992, tài sản của cụ K là diện tích đất 445m2 và 01 kỷ phần thừa kế tài sản của cụ V là 55,6m2, tổng cộng bằng 500,6m2. Do đó, ngày 01/11/2013 cụ K lập Hợp đồng tặng cho anh C, chị L diện tích đất 180,4m2 và ngày 24/02/2014 lập Hợp đồng tặng cho bà S, ông V diện tích đất 233,5m2 là nằm trong khối tài sản của cụ K có quyền định đoạt. Do đó, các hợp đồng tặng cho này có hiệu lực pháp luật.

(ii) Do các Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ K với anh C, chị L và giữa cụ K với bà S, ông V có hiệu lực pháp luật, nên các Hợp đồng thế chấp QSDĐ giữa anh C, chị L với Ngân hàng C ngày 20/7/2016 và Hợp đồng thế chấp QSDĐ giữa bà S và ông V với Ngân hàng A ngày 30/8/2016 là đúng quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 24/02/2014 giữa cụ K với bà S, ông V đối với 233,5m2 đất và một phần hợp đồng tặng cho QSDĐ giữa cụ K với anh C, chị L vô hiệu là không đúng.

(iii) Đối với Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng 476,1m2 đất giữa cụ K với bà S ngày 28/9/2017, là vượt quá phần tài sản của cụ K có quyền định đoạt, ảnh hưởng đến quyền hưởng thừa kế của các đồng thừa kế khác nên vô hiệu.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định hợp đồng này vô hiệu là có căn cứ.

Bên cạnh vụ việc này, việc vợ hoặc chồng tự ý xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung nhưng một bên không biết và đã có đơn khởi kiện khi biết sự việc cũng tồn tại cách giải quyết khác nhau của Tòa án về việc tuyên bố hợp đồng này vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần. Cụ thể như sau: [2]

Chị Rồi và anh Giang kết hôn năm 1989, năm 1997 vợ chồng có mâu thuẫn nên ly thân khoảng 05 tháng. Năm 1998 quay trở về chung sống lại với nhau và nhận khoán đất ở nông trường Tân Lập 20.000 m2 để sản xuất nông nghiệp, năm 2001 được giao 0,12 ha đất để làm nhà ở. Sau khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, anh Giang chuyển nhượng cho anh Phong 0,66 ha đất với giá 47 triệu đồng và chuyển nhượng căn nhà trên diện tích 0,21 ha đất cho anh Tâm mà không có sự đồng ý của chị Rồi. Trong quá trình giải quyết vụ án, chị Rồi đề nghị hủy một phần hợp đồng chuyển nhượng (đối với phần quyền của chị).

Trong vụ án này, Tòa cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều công nhận giá trị pháp lý của giao dịch, nhưng quan điểm của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao lại xác định giao dịch này vô hiệu một phần, với lập luận.

Trong quá trình giải quyết vụ án, anh Tâm, anh Giang không có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, còn chị Rồi đề nghị huỷ một phần hợp đồng (phần quyền của chị). Trong trường hợp này lẽ ra phải xác định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa anh Giang và anh Tâm bị vô hiệu một phần (phần quyền sử dụng của chị Rồi)… Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm công nhận toàn bộ hợp đồng trên là không đảm bảo quyền lợi của chị Rồi.

Trên cơ sở quan điểm giải quyết vụ việc của Tòa án, có thể thấy rằng việc xác định hợp đồng vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu từng phần chưa có sự thống nhất giữa các cấp xét xử – dẫn đến cùng một vấn đề nhưng lại có những lập luận và quyết định giải quyết vụ án khác nhau. Thiết nghĩ, một trong những nguyên nhân của thực tiễn này là do pháp luật chưa có quy định cụ thể để hướng dẫn về vấn đề này – dẫn đến những sự lúng túng nhất định trong quá trình giải quyết vụ việc.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Tia Sáng về chủ đề ‘‘THỰC TIỄN XÉT XỬ - TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU TOÀN BỘ/VÔ HIỆU TỪNG PHẦN CỦA CÁC CẤP TOÀ’’

Công ty Luật Tia Sáng mong nhận được góp ý của quý độc giả để các bài chia sẻ kiến thức pháp lý của chúng tôi được hoàn thiện hơn.

Xin chân thành cảm ơn.

Trân trọng./.

Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng

 

[1] Nguyễn Thị Hà (Phó Vụ trường Vụ Giám đốc kiểm tra II, TANDTC), Hiệu lực của giao dịch định đoạt tài sản chung sau khi vợ hoặc chồng đã chết, Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân, truy cập 25/10/2022.

https://tapchitoaan.vn/.../hieu-luc-cua-giao-dich-dan-su...

Quyết định Giám đốc thẩm số: 66/2021/DS-GĐT ngày 07/12/2021, về việc: Yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, truy cập 12/11/2022.

https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta10038.../chi-tiet-ban-an

[2] Gía trị pháp lý của những giao dịch liên quan đến tài sản chung do một bên vợ hoặc chồng thực hiện - TS Lê Vĩnh Châu - ĐH Luật TP.HCM.

Bình luận

Tìm kiếm về pháp luật để thắc mắc của bạn được giải đáp

VD: đơn ly hôn ly hôn đơn phương tư vấn luật tư vấn pháp luật đơn khởi kiện công ty luật luật sư tư vấn

Liên hệ với chúng tôi

Hãy gửi câu hỏi của bạn đến với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất

Tin xem nhiều nhất

Ngày đăng: 21/04/2023
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Khi tiến hành thu hồi, người đang sử dụng đất sẽ không còn quyền sử dụng ...

HÃY GỬI CÂU HỎI CỦA BẠN
ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TỐT NHẤT

Về đầu trang