NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG NHẤT VỀ THỪA KẾ THẾ VỊ

Cập nhật: 18/11/2022 19:03 Lượt xem: 560

Hiện nay, khi số lượng và giá trị tài sản của cá nhân ngày một gia tăng, đa dạng, phong phú thì cũng nảy sinh nhiều dạng tranh chấp về thừa kế di sản do người chết để lại. Thừa kế có hai hình thức là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Thừa kế thế vị là một trường hợp phát sinh từ thừa kế theo pháp luật.
Đây cũng là một trường hợp thừa kế nhận được nhiều quan tâm của người dân. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin phép, trình bày một số nội dung cơ bản và quan trọng nhất của thừa kế thế vị.


1. Cơ sở lý luận về thừa kế kế vị:

Theo nghĩa Hán – Việt thì thế vị là sự thay thế vị trí. Theo Từ điển Giải thích thuật ngữ Luật học - Trường Đại học Luật Hà Nội thì "Thừa kế thế vị là thừa kế bằng việc thay vị trí để hưởng thừa kế". Theo cách hiểu trên thì thừa kế thế vị có thể được hiểu là việc một người theo quy định pháp luật được thay thế vị trí của một người đã chết để hưởng di sản thừa kế của một người khác chết sau người đã chết đó.

Nghiên cứu thừa kế dưới góc độ quan hệ pháp luật thì người thừa kế phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp người được thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Pháp luật đã quy định việc dịch chuyển di sản thừa kế trong các trường hợp này gọi là thừa kế thế vị.

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, thừa kế thế vị được quy định tại Điều 652 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Theo quy định này, thừa kế thế vị thực chất là việc các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình (ông hoặc bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia đều di sản với những người thừa kế khác.

Ngoài ra Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật Nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”.

Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi tại khoản 1 Điều 24: “1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Theo quy định tại Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi: “1. Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm, quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật Nuôi con nuôi”.

Căn cứ vào các quy định tại các điều 104, 106, 113, 114 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì con nuôi không có mối quan hệ về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng nhau đối với những đời thân thích thuộc gia đình của bố, mẹ nuôi như, bố mẹ của cha, mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của cha mẹ nuôi, chú, bác, cô, dì, cậu ruột của cha mẹ nuôi và các cháu ruột của cha mẹ nuôi.

2. Những trường hợp phát sinh thừa kế thế vị

Thừa kế thế vị chỉ đặt ra với các chủ thể là cháu, chắt và chỉ phát sinh trong trường hợp sau đây:

+ Thừa kế thế vị của cháu: Phát sinh khi bố hoặc mẹ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông nội/bà nội, ông ngoại/bà ngoại. Chỉ khi thuộc một trong hai trường hợp này thì con được thay vị trí bố hoặc mẹ để hưởng di sản thừa kế, tức là cháu của người để lại di sản được hưởng thừa kế di sản của ông bà.

+ Thừa kế thế vị của chắt: Phát sinh trong khi ông bà chết trước cụ, cha hoặc mẹ chết sau ông bà nhưng lại chết trước hay chết cùng thời điểm với cụ, người để lại di sản. Do đó, tương tự như trường hợp thừa kế thế vị của cháu, khi thuộc một trong các trường hợp này thì con của người cha hoặc người mẹ đã chết đó (tức chắt của người để lại di sản) được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt (tức cháu của người để lại di sản) được hưởng nếu như còn sống.

Tuy nhiên để được thừa kế thế vị thì cháu, chắt phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố hoặc mẹ mình (hoặc ông, bà) được hưởng nếu còn sống. Thừa kế thế vị phản ánh đúng thực tế xã hội, bảo vệ trực tiếp quyền lợi của cháu, chắt để có thể hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ. Quy định này hoàn toàn phù hợp với bản chất "thế vị" của cháu, chắt đối với bố hoặc mẹ của mình để nhận di sản thừa kế từ ông bà hoặc các cụ.

3. Các nguyên tắc hưởng thừa kế thế vị

Thừa kế thế vị là một phần của pháp luật thừa kế. Do vậy, thừa kế thế vị phải phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật nói chung và pháp luật thừa kế nói riêng. Theo đó, thừa kế thế vị tuân theo 4 nguyên tắc cơ bản sau đây:

     (i) Thừa kế thế vị không phát sinh từ di sản chia theo di chúc.

     (ii) Người thế vị phải là con cháu trực hệ của người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

     (iii) Người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

     (iv) Người thừa kế thế vị chỉ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của họ được hưởng nếu còn sống.

4. Các ví dụ thực tiễn điển hình về thừa kế thế vị:

Ví dụ 1: Ông A có 4 Người con là B và C, D, E. Anh B có 1 Người Con là F. Năm 2007, Anh B chết. Năm 2010 Ông A chết không để lại Di chúc. Những người được hưởng thừa kế theo pháp luật của Ông A là B và C, D, E. Nhưng vì B đã chết trước đó, nên F là con B, sẽ được thay cha mình hưởng phần Di sản từ Ông nội của mình.

Ví dụ 2: Ông A kết hôn với bà B vào năm 1950, không có con Chung, đã nhận anh C làm con nuôi. Anh C có vợ là D và có 2 người con là M và N. Anh C chết vào năm 2016, ông A chết vào năm 2017. Di sản của anh C có 320.000.000 đồng; di sản của ông A có 720.000.000 đồng.

+ Chia di sản của C khi có yêu cầu: Anh C không có di chúc nên di sản của C chia theo pháp luật. Hàng thì thứ nhất của C gồm có: Ông A, bà B, chị D, M và N. VÀ, B = D = M = N = 320.000.000 đồng : 5 = 64.000.000 đồng

+ Chia di sản của A: Những người thừa kế theo pháp luật của A gồm: Bà B, anh C. Tổng di sản của A 720.000.000 đồng + 64.000.000 đồng = 784.000.000 đồng

Vậy B = C = 784.000.000 đồng : 2 = 392.000.000 đồng.

Do C chết trước ông A nên các con của C được thừa kế thế vi.

M = N = 392.000.000 đồng : 2 = 196.000.000 đồng.

Ví dụ 3: Ông A và bà B là vợ chồng, có 2 người con chung là C và D. Anh C có vợ là K và M là con nuôi của họ. Anh D có vợ là H và có 2 người con là E và F.

Anh C qua đời vào tháng 4/2015. Ông A qua đời vào tháng 7/2016. Di sản của C có 240.000.000 đồng; di sản của A có 320.000.000 đồng. Chia thừa kế di sản của C và A khi có yêu cầu.

+ Chia di sản của C: Hàng thừa kế thứ nhất của C gồm có: A, B, K, M. Vậy A = B = K = M = 240.000.000 đồng : 4 = 60.000.000 đồng.

+ Chia di sản của A: Hàng thừa kế thứ nhất của A gồm có B, C và D. Nhưng C đã chết trước A. Tổng di sản của A là: 320.000.000 đồng + 60.000.000 đồng = 380.000.000 đồng. Vậy B= D = 380.000.000 đồng : 2 = 190.000.000 đồng. . Trong trường hợp này, M không được thế vị, vì M không phải là cháu nội của A.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Tia Sáng về chủ đề: “Những vấn đề chung nhất về thừa kế thế vị”

Công ty Luật Tia Sáng mong nhận được góp ý của quý độc giả để các bài chia sẻ kiến thức pháp lý của chúng tôi được hoàn thiện hơn.

Xin chân thành cảm ơn.

Trân trọng./.

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Minh Hoàng

Bình luận

Tìm kiếm về pháp luật để thắc mắc của bạn được giải đáp

VD: đơn ly hôn ly hôn đơn phương tư vấn luật tư vấn pháp luật đơn khởi kiện công ty luật luật sư tư vấn

Liên hệ với chúng tôi

Hãy gửi câu hỏi của bạn đến với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất

Tin xem nhiều nhất

Ngày đăng: 21/04/2023
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Khi tiến hành thu hồi, người đang sử dụng đất sẽ không còn quyền sử dụng ...

HÃY GỬI CÂU HỎI CỦA BẠN
ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TỐT NHẤT

Về đầu trang