CHA MẸ CÓ QUYỀN BÁN/TẶNG CHO NHÀ ĐẤT CHO NGƯỜI KHÁC KHI TRƯỚC ĐÓ ĐÃ LẬP DI CHÚC CHO CON HAY KHÔNG?
Cập nhật:
15/11/2022 14:30
Lượt xem:
470
Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (sau đây gọi tắt là nhà đất) luôn là tài sản có giá trị lớn. Vì vậy, những tranh chấp liên quan đến nhà đất xảy ra rất phổ biến và phức tạp trong đời sống hằng ngày. Trong đó, tranh chấp thừa kế di sản là tranh chấp vừa liên quan đến nhà đất vừa liên quan đến các mối quan hệ ruột thịt nên càng được mọi người quan tâm. Thực tiễn cho thấy, cha mẹ thường lập di chúc sẵn để phòng tránh trường hợp sau khi cha mẹ mất, con cháu trong gia đình xảy ra tranh chấp với nhau.
Trong thời gian gần đây, Công ty luật Tia Sáng đã nhận được câu hỏi tư vấn pháp luật như sau:
Cha mẹ tôi có hai người con. Tôi là con cả. Cha mẹ tôi đã lập di chúc phân chia nhà đất cho anh em tôi vào năm 2019. Tuy nhiên, gần đây, em trai tôi làm ăn cần thêm vốn nên cha mẹ tôi đang có ý định bán nhà đất mà họ đã lập di chúc cho tôi. Trong thời gian qua, tôi luôn phụng dưỡng cha mẹ tử tế và nhà đất đã được lập di chúc cho tôi nhưng nay cha mẹ lại có ý định như vậy khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và tôi rất căng thẳng. Luật sư cho tôi hỏi: “Cha mẹ tôi có quyền bán nhà đất mà họ đã lập di chúc cho tôi như vậy hay không?”
Thông qua câu hỏi nêu trên, trường hợp sau khi cha mẹ đã lập di chúc cho con thì họ lại muốn bán hoặc tặng cho nhà đất đó cho người khác dẫn đến con cái tranh chấp với chính cha mẹ của mình. Vậy, liệu cha mẹ đã lập sẵn di chúc cho con thì họ có quyền chuyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (sau đây gọi tắt là bán hoặc tặng cho nhà đất) bán hoặc tặng cho nhà đất đó cho người khác hay không. Vấn đề này sẽ được Công ty luật Tia Sáng làm rõ thông qua bài viết sau đây.
• Về khái niệm “di chúc”
Trước tiên, theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vậy, khi cha mẹ đã lập di chúc để lại nhà đất cho con thì cha mẹ đã thể hiện ý chí của mình nhằm chuyển tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho con sau khi cha mẹ chết.
• Về thời điểm có hiệu lực của di chúc
Theo khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc hợp pháp chỉ có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm mở thừa kế. Trong khi đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết theo Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015. Khi cha mẹ đã lập di chúc sẵn cho con nhà đất nhưng sau khi cha mẹ chết thì di chúc hợp pháp mới phát sinh hiệu lực. Vì vậy, việc cha mẹ lập di chúc để lại nhà đất cho con chỉ có hiệu lực sau khi cha mẹ chết. Điều này có nghĩa rằng trước khi cha mẹ chết thì di sản thừa kế là nhà đất của cha mẹ vẫn chưa được chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho con cái (tức vẫn thuộc quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của cha mẹ) nên cha mẹ vẫn có quyền bán hoặc tặng cho nhà đất đó cho người khác theo quy định pháp luật.
• Về hậu quả pháp lý của việc cha mẹ tặng cho/bán nhà đất sau khi đã lập di chúc cho con
Hậu quả pháp lý của di chúc đã lập sẵn cho con được quy định cụ thể theo khoản 2 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, di chúc mà cha mẹ đã lập cho con cái sẽ không có hiệu lực toàn bộ (nếu toàn bộ di sản thừa kế là nhà đất được nêu trong di chúc đã được bán/tặng cho người khác) hoặc di chúc sẽ có hiệu lực một phần (nếu chỉ một phần di sản thừa kế là nhà đất được nêu trong di chúc đã được bán/tặng cho người khác).
Kết luận: Trong trường hợp cha mẹ đã lập di chúc để thừa kế cho con nhà đất thì cha mẹ vẫn có quyền bán/tặng cho nhà đất đó cho người khác.
___________________________________________________________________
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Tia Sáng về chủ đề “Cha mẹ có quyền bán/tặng cho nhà đất cho người khác khi trước đó đã lập di chúc cho con hay không?”.
Công ty luật Tia Sáng mong nhận được góp ý của quý độc giả để các bài chia sẻ kiến thức pháp lý của chúng tôi được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn.
Trân trọng./.