TỪ VỤ ÁN “CHUYẾN BAY GIẢI CỨU” ĐẾN NHẬN THỨC VỀ TỘI NHẬN HỐI LỘ
Cập nhật:
29/07/2023 08:55
Lượt xem:
356
Vụ án “chuyến bay giải cứu” đã bắt đầu mở phiên toà xét xử từ ngày 11/07/2023 và đã tuyên án vào chiều ngày 28/07/2023.
1. Về vụ án “chuyến bay giải cứu”
Vụ án “chuyến bay giải cứu” bắt đầu mở phiên toà xét xử từ ngày 11/07/2023 và đã tuyên án vào chiều ngày 28/07/2023.
Trước đó, trong quá trình xét xử kéo dài nhiều ngày, 21 cựu cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Quảng Nam và Hà Nội đã phân trần về động cơ khiến họ vướng lao lý:
- Cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên (bị cáo buộc nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng) cho rằng "nhận tiền sau khi chuyến bay hoàn thành, doanh nghiệp có lãi thì cảm ơn chứ ông không đòi hỏi".
- Cựu Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan (bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ đồng) cho rằng đã “không nhận thức đầy đủ về quà tặng”, đồng thời đề cập đến trách nhiệm của các doanh nhân đưa hối lộ khi họ có “những lời nói và hành sự quá khéo léo” khiến mình không thể vượt qua được, buộc phải nhận tiền,…
- Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng (bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng) khẳng định “chưa bao giờ đòi hỏi” và việc phạm tội chỉ vì “nhận thức quá giản đơn” và “không phân biệt được ranh giới giữa nhận tiền cảm ơn và nhận hối lộ”.
Thế nhưng, ranh giới pháp lý của việc nhận quà cảm ơn và nhận hối lộ có thật sự mỏng manh đến thế?
Bàn về điều này, Tiến sĩ Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) khẳng định: “Ranh giới giữa nhận quà tặng và nhận hối lộ rất rõ ràng”. Ngoài ra, ông còn phân tích thêm:
“Món quà chỉ được coi là quà tặng khi nó có giá trị vật chất không lớn và với những người không có mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau khi giải quyết công vụ.
Thời điểm nhận, các cán bộ này có quyền quyết định cấp phép hoặc không cấp phép các chuyến bay, tức doanh nghiệp phụ thuộc vào họ.
Do đó, cán bộ nhận tiền lúc này đương nhiên là nhận hối lộ, không thể nói là quà tặng cảm ơn. Hơn nữa, số tiền lên đến hàng tỷ đồng thì người bình thường cũng hiểu đó không thể là quà tặng tình cảm thông thường”.
2. Về Tội nhận hối lộ
“Tội nhận hối lộ” được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS). Dưới đây là cấu thành tội phạm của “Tội nhận hối lộ”.
a. Mặt khách thể của tội phạm:
- Hành vi phạm tội xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của các cơ quan, tổ chức Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác.
- Đối tượng tác động của tội phạm là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
b. Mặt khách quan của tội phạm:
- Có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện để nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
- Hành vi nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác của người có có chức vụ, quyền hạn có mối liên hệ trực tiếp với chức vụ, quyền hạn của họ.
- Việc nhận hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ nhưng cũng có thể được thực hiện qua trung gian.
- Việc nhận tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác có thể cho chính người có chức vụ, quyền hạn hoặc cho người khác hoặc tổ chức khác do người có chức vụ, quyền hạn chỉ định.
c. Mặt chủ thể của tội phạm:
- Người phạm tội nhận hối lộ là người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ.
- Người phạm tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, người có chức vụ, quyền hạn trong “Tội nhận hối lộ” không giống người có chức vụ, quyền hạn trong “Tội tham ô tài sản”. Nếu người có chức vụ, quyền hạn trong “Tội tham ô tài sản” phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản, thì người có chức vụ, quyền hạn trong “Tội nhận hối lộ” không nhất thiết phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản.
d. Mặt chủ quan của tội phạm:
Hình thức: Lỗi cố ý trực tiếp. Vì người phạm tội nhận thức được chức vụ, quyền hạn của họ là điều kiện thuận lợi và có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác từ người đưa hối lộ. Người có chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ thậm chí còn có hành vi vòi vĩnh, gợi ý đối với người đưa hối lộ.
Trên đây là một số vấn đề pháp lý liên quan đến “Từ vụ án chuyến bay giải cứu đến nhận thức về Tội nhận hối lộ”. Nếu cần biết thêm chi tiết quý khách vui lòng liên hệ Công ty Luật Tia Sáng để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và tốt nhất.
---------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (𝑳𝑺 𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑻𝒉𝒊̣ 𝑩𝒊́𝒄𝒉 𝑵𝒈𝒐̣𝒄)
tiasanglaw@gmail.com
http://tiasanglaw.com/
http://luattiasang.vn
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
Trân trọng!