MUA BÁN THẬN CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ
Cập nhật:
18/04/2023 12:09
Lượt xem:
553
Nhu cầu ghép thận ở nước ta luôn ở mức cao, lợi dụng tình trạng này, nhiều đối tượng đã mua thận của người khỏe mạnh, sau đó liên hệ với người cần ghép thận để bán với giá cao hơn kiếm tiền chênh lệch. Thận là một cơ quan quan trọng trong cơ thể con người, việc mua bán thận vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận là hành vi vô cùng nguy hiểm. Vậy mua bán thận có vi phạm pháp luật không?
1. Mua bán thận có vi phạm pháp luật không?
Tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Các tội liên quan đến xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người thuộc chương XIV Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) chỉ sau các tội phạm an ninh quốc gia. Mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác trái pháp luật đều sẽ bị nghiêm trị.
Mô và bộ phận cơ thể con người, cụ thể là thận là đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm. Hành vi mua bán thận gây nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật nghiêm cấm. Khoản 8 Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã nghiêm cấm các hành vi: Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Vì vậy, hành vi mua bán thận là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Người bán thận phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Liên quan đến hành vi mua bán thận, tại Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về “Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” quy định như sau:
“1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, khách thể của tội phạm này là sức khỏe và tính mạng của người khác, vì vậy, chỉ khi một đối tượng bán thận của người khác thì mới bị xử lý hình sự còn người bán thận của chính mình được xác định là người bị hại trong vụ án hình sự.
Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (cụ thể trong bài viết này đề cập đến thận) là tội phạm có cấu thành hình thức, tức là tội phạm hoàn thành khi có thỏa thuận mua bán thận vì mục đích lợi nhuận diễn ra, không cần biết đã mua bán thành công hay chưa.
Trên đây là quy định pháp luật liên quan đến “Bán thận có bị xử lý hình sự?”. Để được tư vấn trong từng trường hợp cụ thể và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật, Quý khách hàng có vướng mắc vui lòng liên hệ trực tiếp đến Luật Tia Sáng để được tư vấn, giải đáp kịp thời.
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (Zalo) (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
ĐT: 𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (Zalo) (𝑳𝑺 Nguyễn Thị Bích Ngọc)
tiasanglaw@gmail.com
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
http://tiasanglaw.com/
Trân trọng!