Mức phạt cho hành vi thu thập trái phép thông tin để chiếm đoạt tài sản

Cập nhật: 27/12/2022 13:34 Lượt xem: 612

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Mạch Thị Nga (SN 1993, trú tại tỉnh Thanh Hóa) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản” và Mạch Thị Mỵ (SN 1996, trú tại tỉnh Thanh Hóa) về hành vi “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.

 Bước đầu xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, ổ nhóm tội phạm của Mạch Thị Nga và Mạch Thị Vy đã thu thập hơn 17 triệu thông tin dữ liệu cá nhân của người khác trên phạm vi cả nước để bán cho người khác nhằm thu lợi bất chính. Đặc biệt, các đối tượng đã thu thập trái phép thông tin hàng nghìn khách hàng có hồ sơ vay vốn tín dụng ngân hàng, dùng các thông tin này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn chiếm quyền truy cập SIM điện thoại, khôi phục lại mật khẩu đăng nhập tài khoản internet Banking có liên kết với SIM để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Đây là một vụ việc đánh cắp dữ liệu cá nhân nghiêm trọng xảy ra trên phạm vi cả nước, có thể gây ra những hệ quả khôn lường cho những người có thông tin bị tiết lộ. Các cá nhân thực hiện hành vi trên cần có những chế tài nghiêm khắc nhằm răn đe, hạn chế tình trạng thông tin cá nhân bị đánh cắp tràn lan. Cùng Luật Tia Sáng tìm hiểu những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến mức phạt dành cho hành vi đánh cắp dữ liệu cá nhân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Về xử lý hành chính:

Theo quy định tại Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, hành vi sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân hoặc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Về xử lý hình sự:

Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, người nào có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là 03 năm tù và phạt tiền đến 20.000.000 đồng.

Điều 289 Bộ luật Hình sự quy định về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Theo đó, hình phạt cao nhất cho hành vi này là 12 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 290 Bộ luật Hình sự quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Theo đó, hình phạt cao nhất cho hành vi này là 20 năm tù, phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, Bộ luật hình sự 2015 cung cấp các quy định, mức phạt liên quan đến hành vi thu thập trái phép thông tin để chiếm đoạt tài sản. Cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra mức hình phạt cụ thể đối với những người phạm tội cho từng hành vi.

Trên đây là những chia sẻ của Luật Tia Sáng về chế tài cho hành vi thu thập trái phép thông tin để chiếm đoạt tài sản, rất mong nhận được ý kiến góp ý từ quý độc giả.

Trân trọng,

Bình luận

Tìm kiếm về pháp luật để thắc mắc của bạn được giải đáp

VD: đơn ly hôn ly hôn đơn phương tư vấn luật tư vấn pháp luật đơn khởi kiện công ty luật luật sư tư vấn

Liên hệ với chúng tôi

Hãy gửi câu hỏi của bạn đến với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất

Tin xem nhiều nhất

Ngày đăng: 21/04/2023
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Khi tiến hành thu hồi, người đang sử dụng đất sẽ không còn quyền sử dụng ...

HÃY GỬI CÂU HỎI CỦA BẠN
ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TỐT NHẤT

Về đầu trang