HAI KIỂM LÂM BỊ KHỐNG CHẾ, ĐÁNH ĐẬP TRONG LÚC LÀM NHIỆM VỤ TRÊN HỒ TRỊ AN
Cập nhật:
19/07/2023 09:22
Lượt xem:
391
Sáng 29/6/2023, Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Lưu và Nguyễn Thanh Lương thuộc Trạm kiểm lâm số 1 Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai bị khống chế, đánh đập khi tuần tra trên hồ Trị An - Đồng Nai.
Sáng 29/6/2023, Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Lưu và Nguyễn Thanh Lương thuộc Trạm kiểm lâm số 1 Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai khi tuần tra trên hồ Trị An đã phát hiện ngư cụ lợp xếp nằm trong danh mục bị cấm sử dụng để khai thác thủy sản nhưng không thấy người thả ngư cụ, do đó 02 Kiểm lâm viên đã thu gom, đo đếm, xác minh người vi phạm.
Khi đang thu gom lợp xếp lên canô thì bất ngờ có 02 ghe chở 11 người ập đến, đâm thẳng ca nô. Sau đó, nhóm người này xúc phạm, dùng tay và mái chèo bằng gỗ đánh 02 Kiểm lâm viên. Không chỉ vậy, cả nhóm còn dùng dây trói, siết cổ Kiểm lâm viên bước sang ghe của họ rồi chở về.
Công an huyện Định Quán xác định nhóm người đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An mà tham gia khống chế, đánh đập 02 Kiểm lâm viên có dấu hiệu phạm “Tội chống người thi hành công vụ”.
1. Cấu thành tội phạm “Tội chống người thi hành công vụ”
Người thi hành công vụ là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định.
“Tội chống người thi hành công vụ” có cấu thành tội phạm như sau:
Về mặt khách quan:
- Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Về mặt khách thể:
- Xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.
- Đối tượng tác động: Là người đang thi hành công vụ với thủ tục, trình tự thi hành đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì người có hành vi xâm phạm không được xem là chống người thi hành công vụ.
Về mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp.
Về mặt chủ thể: Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ.
2. Các chế tài liên quan
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ chịu phạt hành chính theo Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;
b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (gọi tắt là BLHS) thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với các mức phạt như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.”
Như vậy, việc một nhóm gồm 11 người có các hành động xúc phạm, lăng mạ, dùng tay và mái chèo đánh, dùng dây trói siết cổ 02 Kiểm lâm viên thì có khả năng chịu hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo khoản 2 Điều 330 BLHS.
Ngoài ra, nhóm người này còn vi phạm quy định về sử dụng ngư cụ bị cấm trong khai thác thuỷ sản theo khoản 5, khoản 6 Điều 27 Nghị định 42/2019/NĐ-CP:
“5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.”
---------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (𝑳𝑺 𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑻𝒉𝒊̣ 𝑩𝒊́𝒄𝒉 𝑵𝒈𝒐̣𝒄)
tiasanglaw@gmail.com
http://tiasanglaw.com/
http://luattiasang.vn
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
Trân trọng!