Cướp giật tài sản giá trị nhỏ vẫn phải chịu TNHS
Cập nhật:
11/02/2023 11:55
Lượt xem:
601
Cướp giật tài sản là hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm cao đối với xã hội, hành vi này không chỉ xâm phạm quyền sở hữu đối với tài sản của người khác mà còn có nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người bị cướp giật. Nhiều người cho rằng hậu quả của hành vi cướp giật tài sản là thiệt hại về vật chất đối với người bị cướp giật và là yếu tố quan trọng nhất để cấu thành nên tội danh cướp giật tài sản, do đó nếu không có hậu quả xảy ra hoặc giá trị của tài sản không lớn thì tội cướp giật tài sản chưa hình thành. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
1. Quy định của Bộ luật hình sự về tội cướp giật tài sản:
Theo quy định tại khoản 1 điều 171 BLHS thì người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Cướp giật tài sản được hiểu là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản đang trong sự quản lý của chủ tài sản hoặc của người có trách nhiệm quản lý tài sản rồi tẩu thoát. Tính chất của hành vi này phải là “Công khai, nhanh chóng”, nếu sử dụng vũ lực hoặc thủ đoạn khác đe dọa tinh thần người quản lý tài sản để chiếm đoạt thì hành vi phạm tội không còn là cướp giật tài sản mà chuyển sang tội “cướp tài sản”.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 171 BLHS thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Đây là các trường hợp cho thấy mức độ nguy hiểm cao hơn của hành vi so với trường hợp tại khoản 1 điều 171 BLHS. Các trường hợp cụ thể bao gồm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 3 điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Các trường hợp đó là: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Đây là tội đặc biệt nghiêm trọng.
Phạm tội mà thuộc Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; làm chết người hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo quy định tại khoản 4 điều 171 BLHS.
2. Cướp giật tài sản không có giá trị vẫn bị xử lý hình sự
Khách thể của tội cướp giật tài sản tương tự tội cướp tài sản là cùng lúc xâm phạm hai khách thể bao gồm quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân, tuy nhiên chủ yếu vẫn là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác. .
Hậu quả của tội danh này chủ yếu là thiệt hại về tài sản (vẫn có nhiều trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe,... của người bị nạn tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp đều xảy ra). Đây là tội phạm có cấu thành vật chất vì thế chỉ khi nào người phạm tội giật được tài sản thì tội phạm mới hoàn thành, nếu giật không thành thì được tính là trường hợp phạm tội chưa đạt.
Tuy nhiên, vì tính chất nghiêm trọng của tội phạm này mà nhà làm luật không quy định giá trị tài sản là căn cứ cấu thành tội phạm như đối với các tội phạm xâm phạm sở hữu khác (tội trộm cắp, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản,...) Do đó, chỉ cần có hành vi cướp giật tài sản thì dù giá trị tài sản rất nhỏ hoặc không có giá trị gì vẫn sẽ bị truy cứu tội cướp giật tài sản. Giá trị của tài sản lớn chỉ được xem là căn cứ tăng nặng trách nhiệm hình sự trong các trường hợp quy định tại khoản 2,3,4 Điều 171 Luật này.