GIĂNG BẪY ĐIỆN DIỆT CHUỘT LÀM CHẾT NGƯỜI SẼ BỊ KHỞI TỐ VỀ TỘI DANH NÀO?
Cập nhật:
23/03/2023 14:53
Lượt xem:
442
Bẫy điện là một hình thức rất nguy hiểm được nông dân ở các vùng quê sử dụng để diệt chuột và những loài động vật khác gây hại cho hoa màu. Đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc khi bẫy điện “bẫy” cả người. Vậy, tự ý giăng bẫy điện làm chết người sẽ bị khởi tố về tội danh nào?
Nếu hậu quả pháp lý xảy ra là làm chết người thì có thể bị xử lý về các hành vi giết người hoặc vô ý làm chết người. Để xác định chính xác tội danh, cần phải phân tích rõ cấu thành tội phạm của từng tội và phân tích hành vi của người phạm tội.
Điểm khác nhau chủ yếu giữ tội giết người và tội vô ý làm chết người được thể hiện như sau:
1. Tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự 2015)
Về mặt khách quan, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc để mặc hậu quả chết người xảy ra.
Yếu tố lỗi trong tội giết người phải là lỗi cố ý.
Người giăng bẫy điện phải thấy được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và mọi người xung quanh. Trong trường hợp bẫy điện được giăng tại khu vực có nhiều người thường xuyên qua lại, người giăng bẫy buộc phải thấy trước hậu quả là gây chết người nếu có người không may chạm vào đường dây điện (dù có cắm biển cảnh báo hay không). Tuy nhiên, người này vẫn cắm điện và để mặc hậu quả xảy ra. Hậu quả là có người bị vướng vào bẫy điện và tử vong.
Như vậy, lỗi trong trường hợp này là lỗi cố ý. Do đó, người này sẽ có thể bị khởi tố hình sự về tội giết người.
Ví dụ: Ông A giăng bẫy chuột xung quanh thửa ruộng của mình và cắm điện từ 19h đến 7h sáng hôm sau. Sau khi cắm điện, ông A quay về nhà, cách ruộng 5km ngủ và không trông chừng bẫy điện. Sáng hôm sau, ông A ra thăm ruộng và phát hiện anh B chết tại khu vực ruộng nhà mình do giật điện. Trong trường hợp này, ông B có thể bị khởi tố về tội giết người.
2. Tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự 2015)
Về mặt khách quan, người phạm tội tuy thấy chính hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra còn có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Yếu tố lỗi trong tội vô ý làm chết người là lỗi vô ý (bao gồm lỗi vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin).
Ví dụ: một người giăng bẫy điện tại khu vực xa xôi, ít người qua lại, có cắm biển cảnh báo và đèn cảnh báo. Người này thường xuyên ra thăm ruộng để cảnh báo người khác có bẫy điện. Người này thấy trước hậu quả có thể xảy ra là gây chết người nếu vô tình vướng vào bẫy điện. Tuy nhiên, người này tự tin rằng với những biện pháp mà người này thực hiện (cắm biển, đèn cảnh báo, trông chừng,..) thì không thể xảy ra hậu quả chết người. Tuy nhiên, vẫn có người vô tình mắc vào bẫy điện và tử vong. Trong trường hợp này, người giăng bẫy điện có thể bị khởi tố về tội vô ý làm chết người với lỗi vô ý (do quá tự tin).
Như vậy, nếu giăng bẫy điện gây ra hậu quả chết người, thì tùy vào tính chất của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể bị khởi tố về các tội danh như giết người hoặc vô ý làm chết người.
----------------------------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (𝑳𝑺 𝑳𝒆̂ 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (𝑳𝑺 𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑻𝒉𝒊̣ 𝑩𝒊́𝒄𝒉 𝑵𝒈𝒐̣𝒄)
tiasanglaw@gmail.com
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
http://tiasanglaw.com/
Trân trọng!