Hành vi lấn chiếm vỉa hè lòng đường sẽ bị xử lý như thế nào???
Cập nhật:
24/05/2018 13:53
Lượt xem:
1301
Hành vi lấn chiếm vỉa hè lòng đường sẽ bị xử lý như thế nào???
Việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường đã làm cản trở giao thông, mất cảnh quan đô thị. Trong những ngày gần đây, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản và xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường vỉa hè ở một số địa bàn ở Hà Nội và TP HCM
Trong quá trình kiểm tra, các tổ công tác đã lập biên bản, xử phạt khá nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi kinh doanh
Các hành vi lấn chiếm vỉa hè được thực hiện như: Bán hàng, kinh doanh dịch vụ ăn uống, chiếm dụng lòng đường để làm nơi trông giữ xe, …
Việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, cụ thể Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định về Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, hành vi lấn chiếm vỉa hè lòng đường tùy từng mức độ lấn chiếm mà mức độ xử lý các hành vi là khác nhau:
– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác.
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông;
+ Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi:
+ Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông.
+ Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ;
+ Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ;
+ Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ;
+ Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác;
+ Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe;
+ Dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ không được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức xây dựng công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.