Những vấn đề cần lưu ý về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Cập nhật:
06/06/2022 14:37
Lượt xem:
764
Như vậy, trước khi kết hôn, hai người có thể lập một văn bản thỏa thuận về tài sản nào của riêng vợ, tài sản nào của riêng chồng và những tài sản nào là của chung. Việc xác lập thỏa thuận này có sự công nhận của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho hai bên khi phát sinh rủi ro về sau
1. Hiểu về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng?
Tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng tại Điều 47, 48, 49, 50.
Theo đó, Điều 47 LHNGĐ quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau:
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
Như vậy, trước khi kết hôn, hai người có thể lập một văn bản thỏa thuận về tài sản nào của riêng vợ, tài sản nào của riêng chồng và những tài sản nào là của chung. Việc xác lập thỏa thuận này có sự công nhận của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho hai bên khi phát sinh rủi ro về sau
2. Điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Theo quy định nêu trên, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Thỏa thuận này chỉ được lập và công nhận trước khi hai người đăng ký kết hôn (Tại UBND xã/phường)
- Hình thức của thỏa thuận này phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực
- Thỏa thuận được lập nên dưới sự thống nhất, tự nguyện của các bên.
- Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng sẽ có hiệu lực từ ngày đăng ký kết hôn.
3. Nội dung của thỏa thuận:
Những nội dung cơ bản của thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được quy định tại Điều 48 Luật HNGĐ và được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Trong đó, trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì hai người có thể thỏa thuận theo một số nội dung sau đây:
a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;
d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.
Tuy nhiên, thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải phù hợp với quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Thực tế, vợ chồng có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác về quyền và nghĩa vụ của các bên, nguyên tắc phân chia tài sản và thủ tục phân chia,... mà không nhất thiết phải rập khuôn theo quy định nêu trên. Pháp luật tôn trọng quyền tự do thỏa thuận, tự quyết định của hai người trong trường hợp này.
4. Những vấn đề chưa được thỏa thuận
Trong thực tế, dù đã có văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng, tuy nhiên khi thực hiện thỏa thuận này vẫn sẽ có những vấn đề phát sinh về các khoản chưa thỏa thuận hoặc thỏa thuận chưa rõ ràng.
Khi đó, hai vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng hoặc áp dụng các quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định hoặc áp dụng nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng.
- Nếu hai bên thống nhất sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng:
Theo quy định tại Điều 49 Luật HNGĐ và Điều 17,18 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Nếu thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng thì thỏa thuận này phải được công chứng hoặc chứng thực. Vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin thay đổi có liên quan; nếu không thông báo với người thứ ba thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của BLDS khi có tranh chấp phát sinh.
5. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu.
Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình thì thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu:
a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;
c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.