Lập di chúc tài sản chung, vợ chồng có cần thỏa thuận?
Cập nhật:
02/11/2018 14:49
Lượt xem:
1047
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, trường hợp vợ, chồng lập di chúc để định đoạt tài sản chung phải có văn bản thỏa thuận của vợ chồng.
Bỏ quy định di chúc chung của vợ chồng
Xuất phát từ bản chất của việc lập di chúc là nhằm thể hiện ý chí của người có tài sản, tôn trọng quyền tự định đoạt của người có quyền sở hữu tài sản, BLDS năm 2015 bỏ quy định về di chúc chung của vợ chồng được quy định tại các điều 663, 664, 668 của BLDS năm 2005, quy định đầy đủ hơn, rõ ràng hơn về sở hữu chung và các loại sở hữu chung.
Theo đó, sở hữu chung của vợ chồng (Điều 213) quy định: (1) Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. (2) Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
(3) Vợ chồng thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. (4) Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Tòa án. (5) Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.
Việc quy định bỏ quy định di chúc chung của vợ chồng vừa đảm bảo quyền lợi của vợ, chồng còn sống trong việc định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của hai vợ chồng, vừa đảm bảo quyền lợi của những người thừa kế của vợ/chồng bên chết trước, vì họ không phải chờ đến thời điểm di chúc chung có hiệu lực thì mới được chia tài sản như trước đây nữa.
Mặt khác, bỏ quy định di chúc chung của vợ chồng đã khắc phục được bất cập, vướng mắc trên thực tiễn về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế khi người còn lại chết thì thời hiệu khởi kiện đối với di sản của người chết trước cũng đã hết…
Định đoạt tài sản chung, vợ chồng phải thỏa thuận
Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 cho phép “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận”.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật HN&GĐ, bao gồn tài sản chung của vợ chồng; Nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng…
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật HN&GĐ.
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm: Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; Nội dung khác có liên quan. Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản. Như vậy, tài sản chung của vợ chồng được hình thành trên cơ sở luật định hoặc do vợ chồng thỏa thuận.
Tài sản chung là “sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia” nên vợ, chồng muốn lập di chúc, thì chỉ có quyền lập di chúc đối với phần sở hữu của mình trong sở hữu chung của vợ chồng.
Nếu tài sản chung là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì việc lập di chúc từ ngày 01/01/2017 phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng theo quy định tại Điều 35 Luật HN&GĐ năm 2014.
Mọi thắc mắc xin liên hệ tới công ty Luật Tia Sáng qua đường dây nóng:0989072079 hoặc gửi về Email: tiasanglaw@gmail.com
Trân trọng cảm ơn!.