Bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo có được kết hôn
Cập nhật:
03/05/2018 09:04
Lượt xem:
928
Bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo có được kết hôn
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật hình sự năm 2015
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Nội dung tư vấn: Án treo có được kết hôn
1. Án treo là gì
Tại nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về án treo như sau:
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc phải chấp hành hình phạt tù.
Như vậy với các quy định trên ta có thể hiểu, án treo không phải là hình phạt mà đây là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
Điều kiện để cho bị cáo được hưởng án treo là khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Mặt khác, trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Nếu như trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Đang chấp hành án treo có được kết hôn
Tại điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Mặt khác tại khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các trường hợp cấm kết hôn như sau:
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 và Luật hôn nhân gia đình năm 2014, thì pháp luật hiện hành không hề tước quyền kết hôn của người đang chấp hành án treo. Do vậy nêu như người đang phải thi hành án treo nếu đủ các điều kiện kết hôn và không thuộc vào các trường hợp mà pháp luật cấm kết hôn thì người đó hoàn toàn có thể tiến hành đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật
Luật Tia Sáng
Xin chân thành cảm ơn.