Dự án Luật Hành chính công dừng lại ở góc độ nghiên cứu khoa học
Cập nhật:
19/03/2019 19:46
Lượt xem:
671
Dự án Luật Hành chính công được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào sáng 11/9. Đây là dự án Luật do đại biểu Quốc hội trình.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban soạn thảo cho biết, Luật Hành chính công được xây dựng với mục đích trình Quốc hội xem xét thông qua một văn bản pháp lý có giá trị cao ở tầm luật để cùng với hệ thống pháp luật đã được ban hành thời gian qua nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 5, 6 (khóa XII) của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính; đồng thời tăng cường, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và cung ứng dịch vụ công, thực hiện xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ công trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ hơn mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công; góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng- an ninh và hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật hành chính công được xây dựng với bố cục gồm có 5 chương, 45 điều, quy định thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Hành chính công là dự án Luật do đại biểu Quốc hội trình. Trong quá trình chuẩn bị dự án suốt 2 năm qua, UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã rất quan tâm, ủng hộ hoạt động của Ban soạn thảo, từ việc đưa vào chương trình, bố trí nhân lực, tài chính, con dấu cho đến việc trực tiếp tham gia góp ý kiến nhiều lần vào các nội dung cụ thể của dự án Luật.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017). Tuy nhiên, khi trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp tháng 8/2017, do dự án Luật chưa có ý kiến tham gia của Chính phủ nên chưa đủ điều kiện để UBTVQH xem xét, trình Quốc hội. Mặc dù vậy, UBTVQH vẫn thảo luận và góp nhiều ý kiến vào dự án Luật. Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) cũng đã có báo cáo ý kiến về dự án Luật với UBTVQH. Sau đó, theo đề nghị của Ban soạn thảo, UBTVQH đã đồng ý lùi thời gian trình dự án Luật sang kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) để Ban soạn thảo có thêm thời gian chuẩn bị, lấy ý kiến Chính phủ và thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL). Đến nay, Ban soạn thảo dự án đã chuẩn bị xong Hồ sơ dự án Luật trình UBTVQH.
Đại diện cơ quan Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Theo Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định, thời gian qua, Ban soạn thảo dự án Luật đã hoạt động rất tích cực, nỗ lực tiến hành nhiều công việc cần thiết để chuẩn bị hồ sơ dự án theo quy định của Luật BHVBQPPL và đã hoàn thành được khối lượng lớn công việc.
Ban soạn thảo đã rất cầu thị, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và Thường trực UBPL (năm 2017), ý kiến tham gia của Chính phủ (2 lần: năm 2017 và 2018) và các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, đoàn khảo sát để có thêm tư liệu phục vụ chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án.
Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đã được thu hẹp từ 6 nội dung xuống còn 3 nội dung (bao gồm: thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công).
Nội dung của dự án Luật có sự nâng cấp một số quy định hiện hành trong các văn bản dưới luật, đồng thời có thêm những quy định mới. Các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị khá đầy đủ, đã có ý kiến Chính phủ theo đúng quy định của Luật BHVBQPPL.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, do khối lượng công việc quá lớn, đội ngũ giúp việc mỏng, quá trình soạn thảo đã gặp nhiều khó khăn; hơn nữa, mặc dù rất cố gắng, nhưng trong khoảng thời gian ngắn, việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ để hoàn chỉnh dự án Luật trình UBTVQH không tránh khỏi còn những hạn chế, nội dung tiếp thu chủ yếu mang tính kỹ thuật và còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, với Hồ sơ dự án Luật Hành chính công được chuẩn bị như hiện nay và để bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành thì chỉ nên xây dựng dự án Luật này theo hướng quy định về cách thức xây dựng, ban hành, thực hiện, kiểm soát, đánh giá thủ tục hành chính, bao gồm cả dịch vụ hành chính công như là một công đoạn trong thực hiện thủ tục hành chính (có thể gọi là Luật về Thủ tục hành chính). Tuy nhiên, phương án xây dựng Luật về Thủ tục hành chính trước đây đã được Chính phủ đề nghị và Quốc hội đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ khóa XII nhưng sau đó Chính phủ đã xin rút.
Đánh giá cao sự tâm huyết, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của đại biểu Quốc hội - Trưởng Ban soạn thảo, các thành viên Ban soạn thảo, thảo luận về dự án Luật, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ căn cứ về tính khả thi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật vì cho rằng dự án Luật còn nhiều điểm hạn chế như Báo cáo thẩm tra đã nêu rất rõ và đặc biệt còn nhiều điểm trùng lắp.
“Dự án luật còn nhiều điểm trùng lắp; có phải là sự tập hợp từ các luật khác không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu câu hỏi. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì bày tỏ sự băn khoăn “nếu ban hành luật này thì có phá vỡ các quy định khác trong hệ thống pháp luật hay không?”.
Để bảo đảm tính khả thi của luật, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tổng kết một cách toàn diện, đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan từ đó xác định rõ sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh; xác định lại tên gọi để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật; bổ sung xây dựng lại Báo cáo đánh giá tác động theo hướng xác định đầy đủ các nội dung chính sách mới để đánh giá cụ thể cả về định tính và định lượng các chính sách bảo đảm tính khả thi; rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định; làm rõ mối quan hệ giữa Luật Hành chính công với các luật hiện hành;...
Một số ý kiến cho rằng hồ sơ dự án Luật vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, qua đó mới bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội theo quy định của Luật BHVBQPPL.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, từ phạm vi rất rộng, hiện phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đã được thu hẹp lại, vì vậy cũng cần nghiên cứu tên gọi của luật xem có phù hợp không. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, đối với dự án luật này nên cần có sự chuẩn bị, đầu tư nhiều hơn nữa vì tính cụ thể, tính khả thi của như dự luật hiện nay còn không đạt yêu cầu.
Còn Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo cần đặc biệt quan tâm đến tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung để bảo đám tính khả thi, không chồng chéo của Luật, tránh sự phá vỡ những quy định khác trong hệ thống pháp luật nói chung như một số ý kiến phát biểu đang băn khoăn, lo ngại.
Cho rằng ý tưởng xây dựng dự án Luật là rất tốt, Ban soạn thảo đã rất cố gắng, nỗ lực trong xây dựng, song Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng phải xem xét kỹ lưỡng nội dung của luật đã khả thi hay chưa; thời điểm ban hành có phù hợp hay không khi mà Chính phủ đã rút luật tương tự như luật này ra khỏi chương trình xây dựng luật. “Nên chăng, dự án Luật chỉ dừng lại ở một công trình nghiên cứu khoa học ghi dấu ấn của Ban soạn thảo”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ bày tỏ.
Đại diện cơ quan Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, đây là một dự án Luật có liên quan đến rất nhiều luật trong hệ thống pháp luật nói chung, tính khả thi thì còn tiếp tục phải bàn và nếu được được ban hành thì chúng ta sẽ phải sửa đổi rất nhiều luật khác. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị UBTVQH xem xét, cân nhắc về tính khả thi, thời điểm đưa dự luật ra Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Trân trọng sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua, UBTVQH đã tạo các điều kiện thuận lợi cho Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cũng như Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật. Song khái niệm hành chính công, nội hàm rất lớn, phức tạp, nội dung cụ thể của hành chính công đang được điều chỉnh ở các đạo luật hiện hành... Vì vậy, sự thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của dự án Luật này chưa đạt yêu cầu, còn chung chung; một số điều chỉ là luật hóa một số quy định trong các nghị định của Chính phủ và vẫn còn chung chung, thậm chí chưa cụ thể bằng các quy định trong nghị định.
“Do đó, ý kiến cá nhân tôi cho rằng, dự án Luật vẫn chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội và chỉ nên dừng lại là một công trình nghiên cứu khoa học”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.
Phát biểu kết luận về nội dung này, sau khi phân tích nội các dung báo cáo cũng như ý kiến phát biểu của các thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, khái niệm hành chính công là một khái niệm rất rộng; Chính phủ cũng đã trình xây dựng về luật như vậy nhưng sau đó đã xin rút vì có sự trùng dẫm, chồng chéo; nội dung dự án Luật vẫn còn chung chung, tính khả thi, tính hợp lý của luật vẫn còn nhiều điều phải bàn luận; những tổng kết, đánh giá thực tiễn còn chưa đầy đủ;... Vì vậy, UBTVQH đề nghị dừng Dự án Luật Hành chính công ở góc độ của một công trình nghiên cứu khoa học, một tài liệu nghiên cứu, tham khảo có giá trị và đề nghị UBPL vẫn có báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội trên tinh thần rút dự án Luật này ra khỏi chương trình./.
Theo Nguyễn Hoàng/Baochinhphu.vn