ĐỔI TIỀN Ở ĐÂU ĐỂ KHÔNG BỊ PHẠT?
Cập nhật:
06/01/2023 14:28
Lượt xem:
523
Trong dịp tết Nguyên Đán, người dân thường có xu hướng đổi tiền mới để mừng tuổi cho người thân hoặc lấy may mắn. Tuy nhiên, việc cá nhân, tổ chức tự ý đổi tiền mới không đúng quy định có thể bị xử phạt.
1. Đổi tiền trái quy định bị xử phạt như thế nào?
Việc đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch hoặc kiếm lời từ việc đổi tiền được xem là hành vi trái pháp luật. Một số ví dụ điển hình của hành vi sai phạm trong đổi tiền là đổi tiền có trả phí, đổi tiền không đúng mệnh giá của tiền,… Theo quy định tại khoản 5, Điều 30, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, nếu cá nhân nào có hành vi đổi tiền không đúng quy định sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 đến 40 triệu đồng. Mức xử phạt đối với tổ chức sẽ gấp đôi mức xử phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm.
2. Đổi tiền ở đâu thì hợp pháp?
Theo Điều 12 và 13, Thông tư 25/2013/TT-NHNN ngày 2-12-2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ có ngân hàng nhà nước chi nhánh, sở giao dịch ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước là có chức năng thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.
Đồng thời hiện nay, luật không có khái niệm tiền mới, tiền cũ mà có khái niệm về tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Theo Điều 4 Thông tư 25/2013/TT-NHNN, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông gồm:
- Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông. Ví dụ tiền bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số; nhàu, nát, nhòe, bẩn, cũ; rách rời hay liền mảnh được can dán lại nhưng còn nguyên tờ tiền,…
- Tiền rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản. Ví dụ tiền bị thủng lỗ, rách mất một phần; tiền được can dán; cháy hoặc biến dạng do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao; viết, vẽ, tẩy xóa; đồng tiền bị mục hoặc biến dạng bởi các lý do khác nhưng không do hành vi hủy hoại;….
- Tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất như giấy in bị gấp nếp làm mất hình ảnh hoặc mất màu in, lấm bẩn mực in và các lỗi khác trong khâu in, đúc.
Như vậy, nếu các cá nhân, tổ chức có tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thì có thể đến ngân hàng thực hiện thủ tục đổi tiền để không vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, nếu có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới, cá nhân có thể đến các địa điểm như cây xăng, siêu thị,… Tuy nhiên, việc đổi tiền không được phát sinh thêm chi phí, không được kiếm lời từ việc đổi tiền.
Trên đây là một vài chia sẻ của Luật Tia sáng về chủ đề “Đổi tiền ở đâu để không bị phạt?”
Nếu mọi người thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share bài viết nhé.
Cảm ơn mọi người đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý, bổ sung từ mọi người để các bài viết sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.