SỰ NGUY HIỂM KHI HÀNG LOẠT THUỐC GIẢ ĐƯỢC SẢN XUẤT VÀ BUÔN BÁN TRÀN LAN VỚI QUY MÔ LIÊN TỈNH
Cập nhật:
17/07/2023 09:25
Lượt xem:
385
Chiều ngày 12/07/2023, Công an TP. HCM đã triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả với quy mô liên tỉnh do đối tượng Quách Ngọc Giao (sinh năm 1968; ngụ tại TP. HCM) cầm đầu.
Khoảng 9h15 ngày 11/7/2023, Công an TPHCM bắt quả tang Giao đang vận chuyển 01 thùng carton giao cho Tăng Chí Đức (sinh năm 1967, ngụ TP. HCM), qua kiểm tra thì phát hiện trong thùng carton có chứa 300 hộp thuốc Fugacar. Ngay sau đó, tổ công tác kiểm tra và đại diện hãng thuốc xác nhận toàn bộ lô thuốc Fugacar trên là thuốc giả.
Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Giao, tại kho chứa hàng và 19 điểm sản xuất, tiêu thụ thuốc tân dược giả ở TPHCM, Long An và Tiền Giang, Công an đã phát hiện và thu giữ một số lượng lớn tân dược gắn nhãn hiệu nổi tiếng, chuyên dùng để điều trị các bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp, huyết áp… Hầu hết số thuốc trên được đóng gói cẩn thận trong các bao bì, chuẩn bị xuất ra thị trường tiêu thụ.
Do lượng thuốc tân dược giả quá lớn nên đến chiều 12/07, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tiến hành kiểm đếm. Theo ước tính của các công ty dược có sản phẩm bị làm giả, tổng trị giá toàn bộ tang vật thu giữ trong chuyên án này ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Có thể thấy, mặc dù sản phẩm dược được kiểm soát nghiêm ngặt, thế nhưng nhiều loại thuốc giả vẫn có thể được sản xuất và thâm nhập với một số lượng lớn vào thị trường tiêu thụ. Viễn tưởng “một vốn bốn lời” đã khiến những kẻ làm ăn bất chính sẵn sàng tung ra thị trường nhiều loại thuốc giả, bất chấp tính mạng người dân.
Theo Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (gọi tắt là BLHS) quy định Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh như sau:
a. Nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì người sản xuất, buôn bán hàng giả đó sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
b. Nếu kết luận điều tra của Công an TP. HCM xác định người sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Buôn bán qua biên giới;
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
c. Nếu kết luận điều tra của Công an TP. HCM xác định người sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
d. Nếu kết luận điều tra của Công an TP. HCM xác định người sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
- Làm chết 02 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài các hình phạt kể trên thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì hình phạt được quy định như sau:
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 194, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 194, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 194, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 194, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tóm lại, việc sản xuất, buôn bán thuốc giả thật sự là một tội ác không thể tha thứ bởi không điều gì quý giá hơn sức khoẻ con người. Do đó những cá nhân, pháp nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả cần phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với mức độ thực hiện hành vi gây nguy hại cho sức khoẻ con người của họ.
---------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (𝑳𝑺 𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑻𝒉𝒊̣ 𝑩𝒊́𝒄𝒉 𝑵𝒈𝒐̣𝒄)
tiasanglaw@gmail.com
http://tiasanglaw.com/
http://luattiasang.vn
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
Trân trọng!