Không chứng minh được tội phạm, có phải trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam?
Cập nhật:
10/04/2023 12:49
Lượt xem:
654
Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, Cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam để cách li họ với xã hội trong một thời gian cần thiết nhằm ngăn chặn người đó tiếp tục phạm tội, cản trở điểu tra và xác định sự liên quan của người này đối với tội phạm.
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục và có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đồng thời, nguyên tắc về chứng minh tội phạm thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Thời hạn tạm giữ tối đa là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp Tạm giữ áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Như vậy, trong thời hạn ] tạm giữ (tối đa không quá 09 ngày), nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Đơn cử như trường hợp 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang 11,48 kg ma túy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma túy” tuy nhiên do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự nên Cơ quan cảnh sát điều tra đã trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không theo luật định.
Thời hạn tạm giam tối đa là bao lâu?
Tạm giam là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do thân thể của công dân.
Theo Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo trong những trường hợp sau:1) Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; 2) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và trong trường hợp có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kì nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc là người già yếu, người đang bệnh nặng, có nơi cư trú rõ ràng thì không bị tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có căn cứ cho rằng nếu không tạm giam thì người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì mới tạm giam họ.
Như vậy, trường hợp có căn cứ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, nhưng trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam theo Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:
“Điều 328. Trả tự do cho bị cáo
Trong các trường hợp sau đây, Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:
1. Bị cáo không có tội;…”
Trong trường hợp này thì thời hạn tạm giam phụ thuộc vào thời hạn điều tra được quy định tại điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và thời hạn xét xử vụ án quy định tại chương XXI, XXII Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
“Điều 172. Thời hạn điều tra
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng....”.
Trên đây là quy định pháp luật liên quan đến “Hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm, có phải trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam”
Để được tư vấn trong từng trường hợp cụ thể và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật, Quý khách hàng có vướng mắc vui lòng liên hệ trực tiếp đến Luật Tia Sáng để được tư vấn, giải đáp kịp thời.
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (Zalo) (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
ĐT: 𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (Zalo) (𝑳𝑺 Nguyễn Thị Bích Ngọc)
tiasanglaw@gmail.com
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
http://tiasanglaw.com/
Trân trọng!