Sử dụng rượu bia khi lái xe - qui định chưa đủ sức răn đe?
Cập nhật:
14/06/2022 14:58
Lượt xem:
745
Những năm gần đây, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật an toàn giao thông đường bộ (ATGTĐB) đã và đang có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng vụ việc, số người chết, lẫn số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT).
Nhiều vụ TNGT đã và đang để lại hậu quả vô cùng thương tâm, cướp đi sinh mạng cũng như tổn hại sức khoẻ và tài sản của hàng triệu người tham gia giao thông (TGGT), mà nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người TGGT thiếu ý thức, xem thường sinh mạng bản thân và người khác: vượt đèn đỏ; phóng nhanh; vượt ẩu; lạng lách; đánh võng; không đội mũ bảo hiểm; đi không đúng làn đường; chạy quá tốc độ quy định; sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Mặc dù, pháp luật đã có nhiều quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, thế nhưng các vi phạm này ngày càng diễn ra phổ biến. Tâm điểm gần đây là vụ tai nạn thảm khốc ờ Bắc Giang, siêu xe Audi TTS do tài xế Nguyễn Đức Thịnh – cán bộ công tác trong ngành giao thông vận tải đã di chuyển với tốc độ rất cao, trong tình trạng say xỉn với nồng độ cồn gấp 1,5 lần so với mức xử lý vi phạm (0,4 mg/l khí thở) quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, va chạm với xe máy của anh Nguyễn Mạnh H chở vợ và con gái 13 tuổi. Hậu quả sau vụ chạm, khiến 3 người tử vong tại chỗ, khiến dư luận xôn xao, bức xúc và căm phẫn.
Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng các chế tài xử phạt quy định về ATGTĐB hiện vẫn đang còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe? Trong vụ việc trện, mặc dù gây ra hậu quả chết 3 người, nhưng lái xe Thịnh chỉ phải đối mặt với mức hình phạt từ 7 năm đến 15 tù (Điểm a Khoản 3 Điều 260 Bộ Luật Hình sự) và bị xử phạt hành chính phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm a Khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ). Bên cạnh đó nếu chiếc Audi là xe đi mượn, mà chủ xe biết Thịnh đã sử dụng rượu bia mà giao xe cho Thịnh lái xe, thì Thịnh chỉ phải liên đới với chủ xe bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại. Còn trường hợp nếu chủ xe đã giao phương tiện cho Thịnh sử dụng đúng pháp luật thì Thịnh mới bồi thường thiệt hại toàn bộ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác (Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015).
Nếu thật sự đúng như vậy, thì đã đến lúc, các cơ quan lập pháp cần nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung theo hướng tiếp tục tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ và mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ, mà hơn hết chúng ta cần một chiến lược toàn diện, liên tục và lâu dài. Bởi, nếu chỉ trông chờ vào việc sửa đổi, bổ sung pháp luật, một vài đợt tuyên truyền, báo cáo chuyên đề ở địa phương, trên báo đài hay vài đợt ra quân cao điểm vào hàng tháng của lực lượng giao thông thì cuộc chiến với “ma men sau tay lái” khó đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Tia Sáng về chủ đề “Sử dụng rượu bia khi lái xe – Quy định chưa đủ sức răn đe”.
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share nhé.
Cảm ơn bạn đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý bổ sung từ bạn để các bài chia sẻ sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.