Luật sư tư vấn pháp luật tín dụng đen, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Cập nhật:
12/02/2023 14:52
Lượt xem:
580
Xin chào Luật sư hình sự, luật sư tư vấn online Công ty Luật Tia Sáng, tôi có một số người thân bị vướng vào tín dụng đen. Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng số tiền phải trả đã tăng gấp nhiều lần số tiền vay ban đầu. Tôi xin hỏi Luật sư theo quy định pháp luật hiện hành thì lãi suất vay bao nhiêu là hợp pháp, trong trường hợp vượt quá lãi suất trên thì các đối tượng cho vay sẽ bị xử lý như thế nào?
Đây là một câu hỏi mà Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoại của Công ty Luật Tia Sáng đã nhận được thông qua fanpage https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang. Nhận thấy đây là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm, chúng tôi sẽ giải đáp chi tiết trong bài viết này.
1. Tín dụng đen là gì?
Pháp luật hiện hành không cung cấp quy định cụ thể tín dụng đen là gì. Trong các giao dịch dân sự thông thường, có thể hiểu tín dụng đen là giao dịch vay tiền với mức lãi suất vượt quá mức lãi suất giới hạn theo quy định pháp luật (hay còn gọi là hoạt động cho vay lãi nặng) giữa các cá nhân, tổ chức.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 20/12/2021 (“Nghị quyết 01”), “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
Lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự là 20%/năm, do đó, “Cho vay lãi nặng” là trường hợp lãi suất cho vay lớn hơn 05 lần*20%/năm= 100%/năm (xấp xỉ 8,33%/tháng).
Do đó, tín dụng đen có thể được hiểu là hoạt động cho vay lãi nặng với mức lãi suất lớn hơn 100%/năm (xấp xỉ 8,33%/tháng).
Tín dụng đen là giao dịch không được pháp luật công nhận.
2. Một số đặc điểm nhận dạng tín dụng đen
Cũng như các giao dịch dân sự khác, tín dụng đen (cho vay nặng lãi) thường sẽ có các đặc điểm sau:
- Lãi suất cao (được trình bày cụ thể ở phần 1);
- Thủ tục đơn giản;
- Người vay tiền đang có nhu cầu nhận tiền nhanh chóng;
- Các bên thực hiện giao dịch “âm thầm”, thậm chí chỉ cần giao kết miệng;
- Các bên giao dịch chủ yếu dựa vào niềm tin lẫn nhau, nhiều trường hợp không cần tài sản thế chấp;
- Gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho người vay tiền;
- Gây ra hệ lụy nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
3. Lãi suất vay tiền hợp pháp
Bộ luật dân sự 2015 đã đưa ra quy định cụ thể về mức lãi suất cho vay mà các bên tham gia giao dịch có thể áp dụng. Cụ thể, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác….
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Như vậy, hoạt động cho vay với lãi suất vượt quá mức 20%/năm là giao dịch không được bộ luật dân sự thừa nhận. Cần lưu ý rằng, các giao dịch vay với lãi suất thỏa thuận vượt quá 20% không vô hiệu toàn phần mà chỉ vô hiệu đối với mức lãi suất vượt quá 20%/năm. Ví dụ, các bên thỏa thuận mức lãi suất là 30%/năm thì phần vượt quá (10%/năm) sẽ vô hiệu. Các bên vẫn sẽ xác lập giao dịch vay tiền với mức lãi suất là 20%/năm.
4. Xử lý hình sự đối với hoạt động tín dụng đen
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 đưa ra những quy định cụ thể về hoạt động tín dụng đen.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 201 quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hiện nay, mức lãi suất cao nhất do các theo quy định tại Bộ luật dân sự là 20%/năm. Do đó, nếu người cho vay với lãi suất vượt quá 05 lần*20%/năm= 100%/năm (xấp xỉ 8,33%/tháng), đồng thời người này thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc kết án về tội này sẽ bị xử lý hình sự.
4.1. Cách tính số tiền thu lợi bất chính
Căn cứ theo Điều 201 Bộ luật hình sự, số tiền thu lợi bất chính là yếu tố quan trọng để cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm hình sự đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết 01:
Điều 6. Xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự
1. Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.
2. Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.
Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Ví dụ: Ông A vay của ông B số tiền 100 triệu đồng, lãi suất các bên thỏa thuận là 120%/năm (10%/tháng). Thời hạn vay là 01 năm, hợp đồng vay đã hết hạn. Ông A đã thanh toán đủ gốc và lãi cho ông B theo thỏa thuận tại thời điểm kết thúc hợp đồng vay.
Trong trường hợp này, số tiền thu lợi bất chính được xác định như sau:
- Số tiền lãi ông A phải trả: 100 triệu đồng * 120%/năm = 120 triệu đồng.
- Số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất (20%/năm): 100 triệu đồng * 20%/năm = 20 triệu đồng
- Số tiền thu lợi bất chính: 120 triệu đồng - 20 triệu đồng = 100 triệu đồng.
4.2. Phân tích cấu thành tội phạm của Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự
- Khách thể của tội phạm
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tín dụng, cụ thể là trong lĩnh vực cho vay, kinh doanh tiền tệ, hay được gọi là hoạt động “tín dụng đen”.
- Chủ thể của tội phạm
Căn cứ vào Điều 9, Điều 12, Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 thì chủ thể của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự là từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy, cũng căn cứ theo các quy định trên thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào.
- Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết hành vi cho vay lãi nặng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi mà vẫn cố tình thực hiện tội phạm, mong muốn cho hành vi phạm tội diễn ra. Mục đích phạm tội là vụ lợi nhằm thu lợi bất chính từ số tiền cho vay. Tuy nhiên, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
- Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội cho vay lãi nặng thể hiện ở một trong các hành vi sau:
• Cho người khác vay và thỏa thuận mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức 100%/năm), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Như vậy, nếu người cho vay thỏa thuận mức lãi suất lớn hơn 100%/năm nhưng số tiền thu lợi bất chính thấp hơn 30 triệu đồng thì cũng không bị coi là phạm tội và cũng không cấu thành tội phạm này;
• Cho vay lãi gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính chưa đến 30 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Hậu quả: Hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có thể là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất.
• Thiệt hại về vật chất như: Sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản… của người vay tiền và những người xung quanh.
• Thiệt hại phi vật chất như: Ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người vay và những người xung quanh.
• Hậu quả trực tiếp của hành vi cho vay lãi nặng là gây thiệt hại cho người vay khi phải chịu mức lãi quá cao dẫn đến khó khăn trong việc chi trả tiền gốc và tiền lãi của khoản vay.
Đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Trên đây là những tư vấn pháp lý của Luật sư tư vấn pháp luật Công ty Luật Tia Sáng về hoạt động tín dụng đen, hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, quý khách vui lòng liên hệ với Luật sư tư vấn qua Fanpage, website hoặc Zalo/số điện thoại: 0989072079.
Trân trọng!