Phân tích tội cưỡng đoạt tài sản qua hoạt động đòi nợ thuê
Cập nhật:
25/03/2023 14:43
Lượt xem:
454
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động đòi nợ thuê bằng nhiều hình thức khác nhau. Các đối tượng này buộc phải thực hiện các hình thức khác mà không đăng ký kinh doanh là bởi Luật đầu tư 2020 đã liệt kê ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" là vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh từ ngày 01/01/2021. Các hợp đồng, thỏa thuận dịch vụ đòi nợ thuê được xác lập trước đó cần được thực hiện toàn bộ hoặc chấm dứt trước ngày 01/01/2021.
Tuy nhiên, bất chấp sự ngăn cấm từ pháp luật, một số đối tượng vẫn bất chấp để thực hiện hành vi của mình dưới danh nghĩa các công ty luật, công ty hỗ trợ tài chính, công ty mua bán nợ,… Thủ đoạn của nhóm đối tượng này rất tinh vi, đòi nợ dưới các thủ đoạn khác nhau, cưỡng đoạt tài sản với quy mô lớn, phân công chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng cụ thể, hoạt động núp bóng là công ty kinh doanh hợp pháp.
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản đến hình thức đòi nợ trái pháp luật. Trong vụ án này, các đối tượng đã mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay từ một công ty tài chính có trụ sở tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ. Sau đó, nhóm này chia các thông tin, hợp đồng thành các nhóm nhỏ để gọi điện yêu cầu khách nợ thanh toán nợ đúng hạn. Thủ đoạn của họ là dùng nhiều số điện thoại khác nhau, gọi điện liên tục vào số điện thoại khách nợ và gọi điện thoại đến những người thân, đồng nghiệp của những khách nợ mặc dù họ không có liên quan gì đến khoản nợ. Khi đã gây sức ép đủ lớn, nhóm người này tiếp tục đe dọa, kích động, buộc khách nợ phải trả nợ để không bị làm phiền, quấy rầy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cá nhân. Không những vậy, các đối tượng này còn cắt ghép, dàn dựng thông tin người nợ tiền vào các hình ảnh, thông tin không đúng sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của những người này.
Quá trình khám xét, cơ quan công an đã thu giữ được các công cụ phạm tội hiện đại là các máy tính, điện thoại di động, thiết bị định vị cùng các vật chứng khác. Số tiền mà nhóm đối tượng này đã đòi nợ được lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cơ quan công an cũng đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ về hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với hàng chục đối tượng. Bao gồm các đối tượng chủ mưu và các đối tượng thực hiện hoạt động đòi nợ theo yêu cầu của các đối tượng cầm đầu.
Trong bài viết này, Luật sư Công ty Luật Tia Sáng sẽ phân tích các yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản với ví dụ đưa ra là hoạt động đòi nợ thuê nêu trên. Luật sư Công ty Luật Tia Sáng cũng sẽ phân biệt tội Cưỡng đoạt tài sản với một số tội danh khác để Quý độc giả có cái nhìn rõ nét nhất về tội phạm trên.
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
1. Chủ thể
Theo quy định tại Điều 12 và Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, chủ thể của tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại tất cả các khoản của Điều 170 Bộ luật Hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có đủ năng lực trách nhiệm hình sự chỉ là chủ thể của tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại các khoản 2,3,4 của Điều 170. Đối tượng này không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều 170 do đây là tội phạm ít nghiêm trọng.
Trong vụ án nói trên, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự của các đối tượng phạm tội, từ đó làm cơ sở xác định được cụ thể đối tượng nào sẽ chịu trách nhiệm hình sự với tội danh nào.
2. Khách thể
Khách thể của tội Cưỡng đoạt tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân (tương tự như tội trộm cắp tài sản).
Ngoài ra, tội cưỡng đoạt tài sản còn xâm phạm đến quyền nhân thân. Tuy nhiên, hậu quả liên quan đến nhân thân không quá nghiêm trọng (gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, lo sợ, lo âu,…), tuy có ảnh hưởng về tâm lý nhưng không gây ra thương tích cho người bị hại. Về cơ bản, nạn nhân vẫn có thời gian để đối phó, suy xét, cân nhắc giữa việc giao tài sản hoặc không giao tài sản, đây là điểm khác biệt cơ bản giữa tội này và tội cướp tài sản.
Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản được thể hiện rất rõ ở hành vi đòi nợ thuê. Về tài sản, các đối tượng trên đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của các người nợ tiền. Về nhân thân, các đối tượng trên đã đe dọa, gán ghép gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, tạo tâm lý tiêu cực, lo sợ cho những người nợ tiền khiến họ buộc phải thanh toán nợ.
3. Mặt chủ quan
Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình, có ý thức cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân, biết được hành vi của mình sẽ gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh xã hội. Người phạm tội còn thấy trước hậu quả hành vi của mình là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, quyền nhân thân của người khác và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc về mặt chủ quan của cấu thạnh tội cưỡng đoạt tài sản.
Các đối tượng đòi nợ thuê nhận thức rõ hành vi gọi điện thoại đe dọa, tạo áp lực tâm lý của mình sẽ khiến nạn nhân hoang mang, hoảng sợ và thanh toán khoản nợ. Tuy nhiên các đối tượng này vẫn tiến hành mọi cách với mong muốn các khách nợ sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình.
4. Mặt khách quan
Thể hiện ở hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
+ Hành vi dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất, có hung khí hoặc không có hung khí, đe dọa khiến cho nạn nhân lo sợ rằng mình sẽ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe từ đó giao tài sản cho người phạm tội.
+ Đe dọa dùng vũ lực được thể hiện qua hành động, lời nói, hình ảnh. Mặc dù các đối tượng không trực tiếp dùng vũ lực hoặc tác động vật lý đến các nạn nhân. Nhưng thông qua các cuộc gọi đe dọa đến mình, người thân, đồng nghiệp cùng các hình ảnh xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm; nạn nhân tin rằng nếu mình không thanh toán các khoản nợ sẽ bị dùng vũ lực hoặc các hành vi nghiêm trọng khác cho nên đã thanh toán nợ.
+ Về hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản: Ngoài hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội còn có thể thực hiện những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản để chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội thường sẽ sử dụng những thủ đoạn như dọa hủy hoại tài sản, dọa tố cáo hành vi sai phạm hoặc vu khống, bịa đặt.
Lưu ý, tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi phân tích ở trên chứ không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Trên đây là quy định pháp luật liên quan đến “Phân tích tội cưỡng đoạt tài sản qua hoạt động đòi nợ thuê”. Để được tư vấn trong từng trường hợp cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp đến Luật Tia Sáng để được tư vấn, giải đáp kịp thời.
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (Zalo) (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
ĐT: 𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (Zalo) (𝑳𝑺 Nguyễn Thị Bích Ngọc)
tiasanglaw@gmail.com
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
http://tiasanglaw.com/
Trân trọng!