PHÂN BIỆT TIỀN PHÁP ĐỊNH - TIỀN ĐIỆN TỬ VÀ TIỀN ẢO/TIỀN MÃ HÓA
Cập nhật:
16/11/2022 10:07
Lượt xem:
826
Ngày nay, khoa học công nghệ ngày càng phát triển đã khiến cho việc thanh toán trong mua bán được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, kèm theo đó là sự xuất hiện của cả những "Đồng tiền" phi truyền thống. Tuy nhiên, đây là những vấn đề không đơn giản, gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm. Từ đó dẫn đến những rủi ro pháp lý không đáng có. Nhằm giúp người dân có thể nắm được vấn đề bản chất nhất, phân biệt sự khác nhau giữa tiền pháp định – tiền điện tử và tiền ảo/tiền mã hóa, trong phạm vi bài viết này, người viết chia sẻ một số vấn đề cơ bản có liên quan, để người dân phân biệt được sự khác nhau giữa chúng:
I. TIỀN PHÁP ĐỊNH
Tiền pháp định là tiền do Cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành, được thể hiện dưới dạng: Tiền giấy và Tiền kim loại. Đặc điểm của tiền pháp định là được bảo đảm thanh toán và quy đổi bởi luật pháp do Nhà nước ban hành. Ít nhất, trong lãnh thổ quốc gia đó, đồng tiền này có giá trị thanh toán tuyệt đối, mọi tổ chức cá nhân phải chấp nhận thi hành.
Ví dụ: Ông A đến tiệm Kim cương, mua 01 hột Kim cương có giá 5 tỷ đồng. Ông A có quyền mang theo 1 xe tải toàn tiền 5 nghìn đồng, thậm chí 1 nghìn đồng để thanh toán. Tiệm Kim cương phải cử người đếm tiền, mà không được từ chối. Nếu từ chối, xem như chống lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, hiểu nôm na, đồng tiền pháp định luôn có giá trị và được bảo đảm thanh toán, bảo đảm Giá trị bởi Nhà nước.
II. TIỀN ĐIỆN TỬ
Như trên đã phân tích, Ông A gửi tiền vào tài khoản của mình thì số tiền này, khi nằm trong tài khoản ngân hàng của Ông A, được gọi là tiền điện tử. Tiền điện tử có các đặc điểm sau đây để người dân có thể phân biệt với Tiền ảo/Tiền mã hóa/Tiền kĩ thuật số:
(i) Tiền điện tử là giá trị quy đổi bằng nhau với Tiền pháp định.
(ii) Tiền điện tử được bảo đảm quy đổi và hoàn giá trị.
(iii) Tiền điện tử được bảo đảm thanh toán giá trị như tiền pháp định.
Ví dụ: Bà B ra tiệm vàng mua 1 cây vàng. Giá niêm yết là 55 triệu thì dù Bà B thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản cũng chỉ phải thanh toán 55 triệu.
Từ những đặc điểm trên, chúng ta có thể hiểu nôm na: Tiền điện tử chính là tiền pháp định được thể hiện dưới hình thức điện tử và có giá trị ngang bằng với tiền pháp định, được bảo đảm thanh toán như tiền pháp định.
III. TIỀN ẢO
Tiền ảo, là một loại tiền phát minh, được phát hành bởi các tổ chức tư nhân, không có bảo đảm giá trị thanh toán, và không ngang bằng với giá trị tiền thật. Tiền ảo hay còn gọi là tiền mã hóa, tiền kĩ thuật số thuộc nhóm tài sản ảo. Tiền ảo có đặc điểm sau đây:
(i) Tiền ảo là một loại tiền phát minh được phát hành bởi Tổ chức tư nhân:
Theo đó, tiền này về nguyên tắc, chỉ có giá trị thanh toán hạn chế trong phạm vi mà Tổ chức phát hành có thể kiểm soát được. Hay nói cách khác, nó chỉ có giá trị thanh toán hạn chế trong phạm vi hoạt động của Tổ chức đó..
(ii) Tiền ảo không có giá trị quy đổi với tiền pháp định theo nguyên tắc luật định, mà theo nguyên tắc cung cầu thị trường.
Ví dụ: Ông A bỏ ra 100 triệu đồng tiền thật, để mua 10 triệu đồng tiền ảo BCI: Tức là tỷ lệ 10 ăn 1. Nhưng 10 ngày sau, khi Ông A đi bán 10 triệu đồng tiền ảo này, có thể được 200 triệu tiền thật, nhưng cũng có thể chỉ được 100 nghìn, thậm chí là không có Người mua.
(iii) Tiền ảo không có giá trị bảo đảm và tính chuyển hoàn:
Khác với tiền điện tử, chuyển vào bao nhiêu, được rút ra bấy nhiêu, trên nguyên tắc ngang giá tiền pháp định. Nhưng tiền ảo thì không phải vậy, bỏ tiền thật ra mua, cầm tiền ảo, khi muốn rút, có thể không rút được hoặc giá trị thấp, vì nó không có giá trị bảo đảm.
IV. GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA TIỀN ẢO
Có một số Quốc gia thừa nhận tính hợp pháp của tiền ảo. Có nghĩa là Việc giao dịch bằng tiền ảo không bị cấm. Nhưng người dân phải hiểu, dù không bị cấm, thì tiền ảo vẫn có những đặc điểm rủi ro như trên. Vậy lý do vì sao mà tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa không được chấp nhận hầu hết các Quốc gia thừa nhận?
Bởi vì tiền pháp định được sản xuất, dựa trên khối lượng giá trị hàng hóa đang lưu thông của chính Quốc gia đó, số tiền được phát hành ra phải tương đương với khối lượng hàng hóa đang có, nên nếu sản xuất nhiều tiền, mà không dựa trên nguyên tắc cân bằng với giá trị hàng hóa đang lưu thông, sẽ dẫn đến lạm phát, đồng tiền sẽ mất giá, không phản ánh đúng giá trị.
Ví dụ: Một cân thịt heo thay vì giá chỉ 200 ngàn/1kg, thì khi lạm phát, đồng tiền mất giá, có thể lên đến 500 ngàn, thậm chí 700 ngàn/1kg - Đây đã là lúc đồng tiền không phản ánh đúng giá trị thật của hàng hóa.
Đó chính là lý do lý giải tại sao tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa chưa được thừa nhận, chưa được coi là đồng tiền thanh toán, bởi nó không dựa trên nguyên tắc cân bằng với giá trị hàng hóa đang lưu thông, nên không thể là mang giá trị như tiền pháp định. Vì nó không dựa trên một giá trị nào cả, được gọi là đồng tiền phát minh, nên nếu thừa nhận nó, có thể dẫn đến sự thay đổi, xáo trộn, thậm chí là sụp đổ thị trường tiền tệ, mất kiếm soát, từ đó sẽ dẫn đến ảnh hưởng về an ninh tiền tệ, kéo theo đó sẽ là những hậu quả nghiêm trọng khác về kinh tế, an ninh quốc gia.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam: Tiền ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số là bất hợp pháp, không được thừa nhận trong thanh toán và giao dịch. Vì vậy đã rủi ro, lại càng rủi ro. Tất nhiên, đầu tư thì có lời, có lỗ. Nhưng khi tranh chấp, giao dịch bị xem là vô hiệu tuyệt đối. Do đó, người dân nên cân nhắc thận trọng.....
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Tia Sáng về chủ đề “Phân biệt tiền pháp định – tiền điện tử và tiền ảo/tiền mã hóa.”
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share nhé.
Cảm ơn bạn đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý bổ sung từ bạn để các bài chia sẻ sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng