Các trường hợp pháp nhân thương mại bị đình chỉ mới nhất
Cập nhật:
03/05/2019 16:13
Lượt xem:
669
Một trong những điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 là đưa pháp nhân thương mại thành một chủ thể phạm tội. Theo đó, một trong các hình phạt dành cho đối tượng này là đình chỉ hoạt động.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn
Điều 78 Bộ luật Hình sự 2015 quy định pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động có thời hạn là pháp nhân thương mại bị tạm dừng hoạt động một hoặc một số lĩnh vực kinh doanh, thương mại trong một thời gian nhất định.
Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn khi:
- Gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội
- Hậu quả do hành vi nêu trên gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế
Với hình phạt này, thời hạn đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại từ 06 tháng đến 03 năm.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đồng nghĩa với việc pháp nhân thương mại bị chấm dứt hoàn toàn một hoặc một số lĩnh vực hoạt động kinh doanh, thương mại.
Theo đó, một pháp nhân thương mại chỉ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn khi không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra đối với một trong các trường hợp sau:
- Gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người
- Gây sự cố môi trường
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Ngoài ra, nếu một pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì pháp nhân đó bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Quy định này được nêu cụ thể tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015.