Ai đương nhiên được thừa kế mà không phụ thuộc di chúc?
Cập nhật:
02/08/2022 17:13
Lượt xem:
750
Di chúc là văn bản thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế…
Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc là văn bản thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Theo đó, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế…
Như vậy, việc để cho ai hưởng thừa kế là quyền của người để lại di chúc. Nếu trong di chúc không thể hiện mong muốn để lại tài sản cho một cá nhân thì người đó sẽ không được hưởng thừa kế.
Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Theo khoản 2 điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định nêu trên sẽ không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản tại điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015; hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản tại khoản 1 điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Trên đây là một vài chia sẻ của Luật Tia sáng về “Ai đương nhiên được thừa kế mà không phụ thuộc di chúc”
Nếu mọi người thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share bài viết nhé.
Cảm ơn mọi người đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý, bổ sung từ mọi người để các bài viết sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.