Quyết định 1437/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng
Cập nhật:
08/11/2018 15:34
Lượt xem:
746
Quyết định 1437/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành: 29/10/2018 Hiệu lực: 29/10/2018 Tình trạng: Còn hiệu lực
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1437/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHĂM SÓC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRẺ EM TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung:
Bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:
a) Phấn đấu 70% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo nhu cầu và phù hợp với độ tuổi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội.
b) Phấn đấu 70% cán bộ làm công tác liên quan đến trẻ em tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cán bộ tại cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan để hỗ trợ, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
c) Phấn đấu 50% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng mạng lưới kết nối và chuyển tuyến các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; triển khai theo dõi, đánh giá nhu cầu của trẻ em đến 8 tuổi và thí điểm mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng.
3. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025
a) Phấn đấu 90% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo nhu cầu và phù hợp với độ tuổi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội.
b) Phấn đấu 90% cán bộ làm công tác liên quan đến trẻ em tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cán bộ tại cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan để hỗ trợ, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
c) Phấn đấu 90% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và duy trì mạng lưới kết nối và chuyển tuyến các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; triển khai theo dõi, đánh giá nhu cầu của trẻ em đến 8 tuổi và thí điểm mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐỀ ÁN
1. Đối tượng:
- Trẻ em đến 8 tuổi.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2018 đến năm 2025.
3. Phạm vi thực hiện: Trên toàn quốc.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN
1. Truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời cho các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cộng đồng.
2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác trẻ em của các ngành, đoàn thể các cấp, các cơ sở cung cấp dịch vụ về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
3. Nghiên cứu rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, chính sách về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
4. Tư vấn, hướng dẫn, giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em các kiến thức kỹ năng chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi. Xây dựng Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Thí điểm triển khai Chương trình và chỉ đạo triển khai trên toàn quốc.
5. Trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em phù hợp với nhu cầu phát triển và độ tuổi. Ưu tiên tư vấn, hướng dẫn việc chăm sóc trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời và phụ nữ mang thai, hỗ trợ giáo dục sớm, chăm sóc nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm phúc lợi xã hội và bảo vệ khỏi xâm hại, bạo lực.
6. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, mạng lưới kết nối chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng. Thí điểm triển khai các mô hình và tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm hướng dẫn nhân rộng mô hình sau 3 năm triển khai. Thí điểm thực hiện khung đo lường phát triển toàn diện trẻ em.
7. Theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Đề án, chất lượng các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em và môi trường hỗ trợ việc tiếp cận các dịch vụ cho trẻ em.
8. Tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước nhằm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
V. NGÂN SÁCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Kinh phí thực hiện Đề án bao gồm:
1. Được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện một số chương trình, đề án có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác.
3. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Đề án này, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động lập dự toán chi hàng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước.
b) Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
c) Rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
d) Xây dựng mạng lưới kết nối, lồng ghép dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; hỗ trợ trẻ em tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phúc lợi xã hội.
đ) Triển khai thí điểm các mô hình kết nối dịch vụ chuyển tuyến chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; xây dựng Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời, thí điểm và chỉ đạo triển khai Chương trình trên toàn quốc.
e) Theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình thực hiện Đề án; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì triển khai hỗ trợ giáo dục phù hợp cho trẻ em đến 8 tuổi; hỗ trợ giáo dục sớm cho trẻ em và triển khai giáo dục kỹ năng cho trẻ em trước tuổi đi học và học sinh tiểu học; hướng dẫn giáo dục phù hợp đảm bảo sự phát triển toàn diện trẻ em tại cộng đồng; triển khai thí điểm các mô hình theo chức năng của ngành.
3. Bộ Y tế chủ trì triển khai cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đảm bảo sự phát triển toàn diện trẻ em; hướng dẫn chăm sóc sức khỏe trẻ em đảm bảo sự phát triển toàn diện trẻ em; triển khai thí điểm các mô hình theo chức năng của ngành.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì triển khai cung cấp các dịch vụ đảm bảo các điều kiện cho trẻ em tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và sự phát triển toàn diện của trẻ em; lồng ghép nội dung chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và trong giáo dục đời sống gia đình; phối hợp hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến phát triển toàn diện trẻ em trong gia đình.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các chương trình, dự án về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; hướng dẫn việc đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, các bộ, ngành và địa phương.
6. Bộ Tài chính căn cứ khả năng ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Đề án và lồng ghép với các chương trình, đề án hiện hành của Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.
7. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia triển khai hỗ trợ Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng.
8. Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai Đề án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời trong tổ chức mình; triển khai các mô hình; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia xây dựng và triển khai chương trình tư vấn, giáo dục làm cha, mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm:
a) Triển khai thực hiện Đề án tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành chức năng.
b) Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, trong đó chú trọng việc triển khai xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời; hỗ trợ trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận với các dịch vụ; triển khai mô hình, đánh giá, nhân rộng mô hình tại địa phương; triển khai Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
c) Bố trí ngân sách thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
d) Huy động nguồn lực triển khai Đề án tại địa phương; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Đề án này với các chương trình, đề án khác có liên quan tại địa phương.
đ) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Đề án tại địa phương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban quốc gia về trẻ em;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2). PL.130
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức
|