NGÂN HÀNG “ÉP” MUA BẢO HIỂM NHÂN THỌ ĐỂ ĐƯỢC GIẢI NGÂN KHOẢN VAY?
Cập nhật:
13/12/2024 16:49
Lượt xem:
72
Tải xuống biểu mẫu
Thời gian vừa qua, không ít khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay vốn tại các Ngân hàng đã phản ánh rằng Ngân hàng đã “ép”/yêu cầu bên vay vốn phải mua gói bảo hiểm nhân thọ thì mới chấp nhận giải ngân khoản vay.
Thực tế, trong quá trình hoạt động, mỗi Ngân hàng sẽ ban hành quy chế, quy định chi tiết và cụ thể về điều kiện vay vốn áp dụng đối với từng nhóm khách hàng.
Căn cứ Điều 7 Thông tư số: 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 “Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng” của Ngân hàng Nhà nước, quy định về Điều kiện vay vốn như sau:
“Điều 7. Điều kiện vay vốn
Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
3. Có phương án sử dụng vốn khả thi.
4. Có khả năng tài chính để trả nợ.
5. Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.”
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, thấy rằng pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào yêu cầu bên vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ thì mới đủ điều kiện để Ngân hàng tiến hành giải ngân khoản vay.
Căn cứ mục 2 Công văn số: 7928/NHNN-TTGSNH ngày 30/10/2020 “Về việc hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện nội dung như sau: “2. Rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống của TCTD và xử lý nghiêm những trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.”
Như vậy, theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trường hợp Ngân hàng cấp tín dụng có hành vi “ép”/yêu cầu/bắt buộc khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ và/hoặc các loại bảo hiểm khác như một điều kiện để chấp thuận cấp tín dụng, thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời cần phải được rà soát, tăng cường kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm minh.
Vì vậy, trong quá trình thương lượng, giao kết hợp đồng vay vốn, các cá nhân, tổ chức là bên vay vốn cần phải lắng nghe kĩ lưỡng các nội dung tư vấn của cán bộ tín dụng Ngân hàng, đồng thời đọc và kiểm tra chi tiết các điều khoản được ghi trong hợp đồng vay vốn, để xác định Ngân hàng có hành vi vi phạm pháp luật bằng việc việc “ép”/yêu cầu/bắt buộc khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ và/hoặc các loại bảo hiểm khác thì mới chấp nhận cấp tín dụng hay không.
Trường hợp Ngân hàng có hành vi vi phạm nêu trên, bên vay vốn có quyền từ chối giao kết hợp đồng tín dụng, đồng thời thực hiện quyền khiếu nại hoặc tố cáo hành vi nêu trên đến cơ quan giám sát của Ngân hàng đó và/hoặc đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
---------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
0989.072.079 – Luật sư Lê Thanh Trang
0906.219.287 | 0969.629.287 – Luật sư Nguyễn Thị Bích Ngọc
0965.921.058 – Luật sư Nguyễn Văn Thuỷ
tiasanglaw@gmail.com
http://tiasanglaw.com/
http://luattiasang.vn
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
Trân trọng!