MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TINH THẦN
Cập nhật:
10/05/2023 11:55
Lượt xem:
566
Gần đây, dư luận xã hội đang xôn xao về việc một cá nhân có hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức khác trên các trang mạng xã hội mà không đưa ra được những bằng chứng xác thực, rõ ràng mà chỉ dựa vào việc “nằm mơ” của mình.
Các cá nhân, tổ chức bị xâm phạm danh dự, uy tín đã gửi đơn yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu người này bồi thường thiệt hại cho mình. Thiệt hại được yêu cầu bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Trong đó, số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần đặc biệt lớn, lên đến nhiều tỷ đồng, ngược lại một số cá nhân khác cũng bị xúc phạm, bôi nhọ danh dự, uy tín chỉ yêu cầu được công khai xin lỗi, một số khác yêu cầu xử lý theo quy định pháp luật, có người không yêu cầu bồi thường.
Có thể thấy, mức yêu cầu bồi thường thiệt hại về việc danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm có những sự khác biệt rất đáng kể.
Trong bài viết này, Công ty Luật Tia Sáng sẽ phân tích mức bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại theo quy định pháp luật.
Trước tiên, Bộ luật Dân sự của Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đều tuân theo nguyên tắc tôn trọng lợi ích hợp pháp của người khác (khoản 4 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015) và nguyên tắc cá nhân, pháp nhân phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện đúng nghĩa vụ dân sự (khoản 5 Điều 3 Bộ luật Dân sư 2015). Căn cứ theo hai nguyên tắc trên, có thể hiểu rằng khi một cá nhân, pháp nhân không tôn trọng, có hành vi xâm phạm đến lợi ích của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 là minh chứng rõ cho hai quy tắc này, theo đó “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”. Tại quy định này, người đưa ra thông tin “làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đã không tôn trọng lợi ích của người khác, do đó phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện đúng nghĩa vụ dân sự”.
Điều 584 và Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa ra những quy định cụ thể về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và Nguyên tắc bồi thường thiệt hại, theo đó:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”; và
“Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Về cơ bản, có hai khoản tiền (chi phí) mà người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm. Hai khoản này bao gồm: (1) Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và (2) một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
Mức thiệt hại này gồm các thành phần sau:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
Nhìn chung, những quy định tại Bộ luật Dân sự còn khá mơ hồ, gây khó hiểu cho cả người dân và các cơ quan thực thi pháp luật. Do đó, ngày 06/9/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 ( gọi tắt là Nghị quyết 02) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết 02 thì:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: Chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại chi trả để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).
Trong trường hợp được nêu ở đầu bài viết, chi phí này có thể là số tiền mà các cá nhân bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín đã thu hồi, xóa bỏ các video, hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội; chi phí đi lại để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và các chi phí thực tế khác
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định như sau:
Trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó;
Tại ví dụ nêu trên, các cá nhân bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín đa phần là những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng nhất định đến văn hóa cộng đồng. Do đó, khi bị xúc phạm bằng những lời lẽ “thiếu tốt đẹp”, uy tín được tạo dựng ít nhiều bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến sự e ngại của một số thương hiệu, nhãn hàng khi hợp tác với các cá nhân này gây ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Thực tế cho thấy, đã có nhiều thương hiệu lớn hủy bỏ hợp đồng với các ca sỹ, diễn viên vì họ “dính líu” đến những bê bối trong đời sống thường nhật, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của mình.
2. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
3. Thực tiễn xét xử
Trong các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay, việc xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và yêu cầu bồi thường trở nên hết sức phổ biến. Điều này đặt ra yêu cầu xét xử tại các cấp Tòa án, một số ví dụ thực tiễn như sau:
Ngày 18/3/2022, Tòa án nhân dân Quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ đã ban hành Bản án số 15/2022/DS-ST, nội dung tại phần bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:
Về mức bồi thường thiệt hại và trách nhiệm bồi thường: Qua xem xét thì thấy chỉ có bị đơn Đỗ Minh H, ông Đỗ Minh E đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín gây tốn thất tinh thần cho nguyên đơn nên cần buộc mỗi các ông này phải có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn được tính theo mức bồi thường là 05 tháng lương cơ sở: số tiền 1.490.000 đồng x 05 tháng = 7.450.000 đồng là đúng theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngày 16/3/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Bản án số 26/2022/DS-PT, nội dung tại phần bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau: Phải có thiệt hại (thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại do tổn thất về tinh thần) xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật, phải có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật và trong mọi trường hợp xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Do ông N không có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà Kim A, không gây ra thiệt hại gì cho bà Kim A, nên cấp sơ thẩm không buộc ông N có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bà Kim A là có căn cứ.
Ngày 12/4/2022, Tòa án nhân dân Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã ban hành Bản án số 66/2022/DS-ST, nội dung tại phần bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:
[5] Các bình luận dưới bài đăng của ông M được thể hiện qua Vi bằng số 566/2021/VB-TPLSG ngày 22/10/2021 do Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn lập đều có nội dung tiêu cực về Công ty. Việc ông M đăng bài viết đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của Công ty, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Công ty.
[6] Tại thời điểm đăng bài viết, ông M cho rằng ông là người bị thiệt hại theo Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất nên việc ông đăng bài viết về Công ty lên mạng xã hội Facebook là điều bình thường, không gây thiệt hại gì cho Công ty. Tuy nhiên, pháp luật quy định ông M buộc phải biết hành vi của mình gây thiệt hại đối với Công ty. Do đó, ông M có lỗi vô ý gây ra thiệt hại.
[7] Từ những phân tích trên, Công ty yêu cầu ông M phải bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là có căn cứ chấp nhận. Hội đồng xét xử xem xét các yêu cầu của Công ty đối với ông M trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 03.
[8] Công ty yêu cầu ông M gỡ bỏ bài viết có nội dung xúc phạm Công ty và yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai trên tài khoản Facebook cá nhân của ông M là phù hợp với khoản 5 Điều 34 của Bộ luật Dân sự nên có căn cứ chấp nhận.
[9] Công ty yêu cầu ông M đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên báo trung ương trong ba số liên tiếp. Xét phương thức lan truyền thông tin, cách thức tương tác các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của Công ty, Hội đồng xét xử xét thấy việc yêu cầu ông M đăng báo trung ương để xin lỗi, cải chính công khai là không cần thiết. Bởi vì, ông M chỉ thừa nhận có đăng bài viết về Công ty lên mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, việc các tờ báo chia sẻ nội dung bài viết của ông M mà chưa xác minh thông tin không phải do lỗi của ông M. Công ty có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức chia sẻ thông tin sai sự thật về Công ty phải xin lỗi, cải chính công khai theo quy định của Luật Báo chí
Có thể nhận thấy, khi một bên có yêu cầu bồi thường về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, Tòa án sẽ xem xét đến hành vi của người bị yêu cầu bồi thường. Nếu hành vi này là nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và gây thiệt hại cho người yêu cầu thì Tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu bồi thường, từ đó đưa ra mức bồi thường hợp lý. Ngược lại, Tòa án sẽ bác bỏ yêu cầu.
Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện hành đã tạo ra những hành lang pháp lý rõ ràng để các cá nhân, pháp nhân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Tuy nhiên, thực tế xét xử tại các cấp Tòa án cho thấy mức bồi thường còn khá thấp, chưa tương thích với những thiệt hại mà các cá nhân bị xúc phạm phải gánh chịu. Trường hợp ở đầu bài là một trường hợp mà số tiền yêu cầu bồi thường khá lớn, gây được nhiều sự chú ý từ dư luận. Việc giải quyết các yêu cầu này sẽ đặt ra một bài toán khá khó đối với các cơ quan có thẩm quyền. Người dân sẽ trong chờ vào phán quyết từ Tòa án có thẩm quyền để có cơ sở áp dụng trong những vụ việc tương tự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
---------------
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
(BRIGHT LAW, STEADY TRUST)
“Bright law, steady trust - Sáng pháp lý, vững niềm tin”
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (𝑳𝑺 𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑻𝒉𝒊̣ 𝑩𝒊́𝒄𝒉 𝑵𝒈𝒐̣𝒄)
tiasanglaw@gmail.com
http://tiasanglaw.com/
http://luattiasang.vn
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
Trân trọng!