Hết hiệu lực, có được yêu cầu chia di sản thừa kế không?
Cập nhật:
23/06/2022 14:05
Lượt xem:
537
Hiệu lực của di chúc là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Và một trong số đó là thắc mắc liệu di chúc sẽ có hiệu lực trong thời gian bao lâu? Pháp luật có giới hạn thời gian có hiệu lực của di chúc không?
1. Di chúc là gì? Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế?
Di chúc là văn bản (hoặc di chúc miệng) ghi lại ý nguyện của người lập nhằm để lại tài sản của mình cho người khác sau khi bản thân chết. Do đó, thời điểm có hiệu lực của di chúc được xác định là thời điểm mở thừa kế. Đây là quy định được nêu tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, thời điểm mở thừa kế được định nghĩa chi tiết tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự là thời điểm người để lại di chúc chết. Riêng trường hợp Toà án tuyên bố một người đã chết thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm được xác định trong quyết định của Toà án.
Thời điểm mở thừa kế là một trong các thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ làm phát sinh hiệu lực của di chúc mà còn là căn cứ để tính thời hiệu thừa kế. Cụ thể, Điều 623 Bộ luật Dân sự quy định như sau:
Thời hiệu người thừa kế có thể yêu cầu chia di sản: Đối với bất động sản thì thời hiệu là 30 năm; đối với động sản thì thời hiệu này là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu hết thời hạn này thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản.
Nếu không có người thừa kế quản lý di sản thì phân chia di sản theo thứ tự sau đây:
- Thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu di sản thừa kế.
- Nếu không có người chiếm hữu thì di sản thừa kế sẽ thuộc về Nhà nước.
Ngoài ra, Điều 623 Bộ luật Dân sự cũng quy định thời hiệu để yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm người để lại di sản thừa kế chết.
2. Hết hiệu lực, còn được yêu cầu chia di sản thừa kế không?
Như đã biết, di chúc có di sản là bất động sản có hiệu lực trong 30 năm, nếu di sản là động sản thì có hiệu lực trong 10 năm để người thừa kế yêu cầu chia thừa kế trước khi di sản thuộc về người quản lý hoặc người đang chiếm hưu (nếu không có người quản lý) hoặc Nhà nước (nếu không có 02 đối tượng trên).
Tuy nhiên, điểm a khoản 2.4 Điều 2 Mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có quy định:
“a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế”.
[…]
Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung”.
Như vậy, nếu các đồng thừa kế đều thừa nhận đây là di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản nêu trên được chuyển thành tài sản chung của các đồng thừa kế. Nếu muốn phân chia tài sản chung thì có quyền khởi kiện vụ án chia tài sản chung theo quy định của pháp luật.
Luật Tia Sáng