Có phải người mẹ luôn được nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn?
Cập nhật:
21/12/2022 16:34
Lượt xem:
654
Vấn đề ai có quyền nuôi con là một trong những vấn đề quan trọng cần phải giải quyết khi vợ chồng ly hôn. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Để xác định quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào hai yếu tố chính là độ tuổi của con và điều kiện để trực tiếp trong nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Đối với con dưới 36 tháng tuổi, pháp luật quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, theo quy định pháp luật thì không phải lúc nào người mẹ cũng trực tiếp nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên trong thực tế xét xử, từ quy định này mà trong các vụ án ly hôn có tranh chấp về nuôi con dưới 36 tháng tuổi thường các Toà án giải quyết giao con cho người mẹ nuôi mà không xem xét đến người trực tiếp nuôi con trước khi ly hôn là ai; người mẹ nếu trực tiếp nuôi con có đảm bảo quyền lợi cho con không. Từ đó, dẫn đến nhiều trường hợp, sau khi Toà án giải quyết ly hôn xong thì một thời gian sau người không trực tiếp nuôi con là người chồng nộp đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 07 tháng 9 năm 2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua đã thông qua án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tình huống án lệ là trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó. Giải pháp pháp lý là Tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.
Việc ban hành Án lệ số 54/2022 là rất cần thiết, tạo sự thống nhất trong vận dụng áp dụng pháp luật và đường lối giải quyết vụ án ly hôn có tranh chấp nuôi con mà người con là dưới 36 tháng tuổi nhưng do người chồng trực tiếp nuôi trước khi ly hôn. Các Tòa án cũng có thêm cơ sở pháp lý trong việc giải quyết các vụ án ly hôn nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất và tạo môi trường nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, không nhất thiết phải luôn luôn giao cho người mẹ quyền được nuôi con trong trường hợp này.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Tia Sáng về "Có phải người mẹ luôn được nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn?" rất mong nhận được ý kiến góp ý từ quý độc giả.
Trân trọng,