TRƯỜNG HỢP NHIỀU BẢN DI CHÚC THÌ BẢN DI CHÚC NÀO CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT?
Cập nhật:
24/11/2022 22:16
Lượt xem:
580
Hiện nay, người dân ngày càng ưu tiên lựa chọn việc lập di chúc để thể hiện rõ ý chí định đoạt tài sản của bản thân sau khi họ qua đời. Tuy nhiên, ý chí của người lập di chúc có thể thay đổi theo thời gian dẫn đến trường hợp họ có nhiều bản di chúc. Vậy, bài viết sau đây của Công ty luật Tia Sáng sẽ làm rõ quy định pháp luật trong trường hợp có nhiều bản di chúc thì bản di chúc nào có hiệu lực pháp luật.
I. KHÁI NIỆM “DI CHÚC”
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
II. TRƯỜNG HỢP NHIỀU BẢN DI CHÚC DO NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN ĐỊNH ĐOẠT CÙNG MỘT TÀI SẢN
Căn cứ khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015: “Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.” thì trường hợp người để lại di sản có nhiều bản di chúc và mỗi bản di chúc đều chỉ thể hiện ý chí của người đó đối cùng một tài sản thì bản di chúc sau cùng là bản di chúc có hiệu lực pháp luật.
III. TRƯỜNG HỢP NHIỀU BẢN DI CHÚC DO NGƯỜI ĐỂ LẠI DI CHÚC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, HỦY BỎ, THAY THẾ BẢN DI CHÚC ĐÃ LẬP
Theo quy định tại Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015, khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng 2014 thì người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Nếu bản di chúc đã lập được công chứng thì người lập di chúc có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng nội dung mới nhưng phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đã lưu giữ bản di chúc đã lập biết về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ.
(i) Sửa đổi di chúc: Người lập di chúc sửa đổi toàn bộ hay một phần nội dung của bản di chúc trước thì nội dung sửa đổi tại bản di chúc mới có hiệu lực pháp luật và phần nội dung của bản di chúc đã lập không được sửa đổi thì vẫn có hiệu lực pháp luật.
(ii) Bổ sung di chúc: Di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
(iii) Thay thế di chúc: Người lập di chúc thay thế di chúc đã lập bằng di chúc mới thì di chúc đã lập bị hủy bỏ. Vì vậy, trong trường hợp này chỉ có bản di chúc mới có hiệu lực pháp luật.
(iv) Hủy bỏ di chúc: Người lập di chúc hủy bỏ toàn bộ di chúc thì toàn bộ bản di chúc đã lập không còn hiệu lực pháp luật. Nếu chỉ hủy bỏ một phần di chúc thì phần chưa bị hủy bỏ của bản di chúc đã lập vẫn có hiệu lực pháp luật.
IV. KẾT LUẬN
Một người có thể lập nhiều bản di chúc để thể hiện ý chí của mình. Trong trường hợp có nhiều bản di chúc nhưng các bản di chúc cùng định đoạt một tài sản thì bản di chúc được lập cuối cùng có hiệu lực pháp luật. Khi di chúc đã lập được sửa đổi, thay thế, bổ sung, hủy bỏ thì tùy trường hợp, bản di chúc mới hoặc/và bản di chúc đã lập có hiệu lực pháp luật.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Tia Sáng về chủ đề “Trường hợp nhiều bản di chúc thì bản di chúc nào có hiệu lực pháp luật”.
Công ty luật Tia Sáng mong nhận được góp ý của quý độc giả để các bài chia sẻ kiến thức pháp lý của chúng tôi được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn.
Trân trọng./.
Chuyên viên pháp lý Trịnh Hàn Kim Ngọc