QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN THAM GIA BẢO LÃNH NHÀ Ở HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI
Cập nhật:
23/11/2022 12:11
Lượt xem:
506
Quan hệ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai gồm ba bên: bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) và thông tư 07/2015/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 13/2017/TT-NHNN, cụ thể như sau:
1. Về quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh
Quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh được quy định tại Điều 27 Thông tư 07/2015/TT-NHNN. Bên bảo lãnh có quyền cơ bản là yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác và quyền được thu phí, điều chỉnh phí bảo lãnh. Ngoài ra, bên bảo lãnh còn có một số quyền khác như có quyền chấp nhận hoặc từ chối đề nghị cấp bảo lãnh; có quyền chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ của mình cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác theo thỏa thuận của các bên liên quan phù hợp với quy định của pháp luật… Đồng thời, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh và phải thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại nếu bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nếu có yêu cầu từ bên nhận bảo lãnh.
2. Về quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh
Quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh được quy định từ Điều 365 đến Điều 371 BLDS 2015 và được hướng dẫn cụ thể trong Điều 31 Thông tư 07/2015. Một trong những quyền quan trọng của bên được bảo lãnh là từ chối các yêu cầu của bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng, bên xác nhận bảo lãnh không đúng với các thỏa thuận trong thỏa thuận cấp bảo lãnh hoặc cam kết bảo lãnh. Thêm vào đó, bên được bảo lãnh phải có nhiều nghĩa vụ khác đối với bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh, tiêu biểu là phải thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm đã cam kết với khách hàng và phải hoàn trả tiền cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận cấp bảo lãnh hoặc cam kết giữa các bên và các chi phí phát sinh từ việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Ngoài ra Bên được bảo lãnh còn phải có các nghĩa vụ khác như cung cấp các thông tin cần thiết cho bên bảo lãnh, chịu sự giám sát của bên bảo lãnh, phối hợp với bên bảo lãnh để xử lý tài sản đảm bảo nếu có…
3. Về quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh
Theo Điều 32 thông tư 07/2017/TT-NHNN, Bên nhận bảo lãnh sẽ có các quyền cơ bản như yêu cầu bên còn lại thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và trách nhiệm theo cam kết bảo lãnh, chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của mình cho các đối tượng khác theo quy định của pháp luật, được miễn thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh và bên xác nhận bảo lãnh,... Trong đó, quyền được kiểm tra tính xác thực của bảo lãnh là một quyền rất quan trọng, nếu bên nhận bảo lãnh không kiểm tra thật kỹ tính hợp pháp của các văn bản bảo lãnh thì sẽ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy sau này. Gắn liền quyền là các nghĩa vụ mà bên nhận bảo lãnh phải thực hiện, bao gồm thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến bảo lãnh, thông báo kịp thời cho các bên về hành vi vi phạm của bên được bảo lãnh và các nghĩa vụ khác theo quy định của luật. Có thể thấy, các nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh được quy định rất ít.
Trên đây là một vài chia sẻ của Luật Tia sáng về chủ đề “Quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng căn hộ du lịch condotel”.
Nếu mọi người thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share bài viết nhé.
Cảm ơn mọi người đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý, bổ sung từ mọi người để các bài viết sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.