Ông bà ngoại hay cha có quyền nuôi con sau khi mẹ qua đời?
Cập nhật:
27/12/2022 13:43
Lượt xem:
658
Trong nhiều trường hợp, người mẹ không may qua đời khi con chưa thành niên. Ông bà ngoại vì vậy có mong muốn trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc cháu ngoại của mình. Tuy nhiên, người cha không đồng ý vì cho rằng khi vợ mất, mình là người đương nhiên được nuôi con. Đây là một vấn đề khá phổ biến và gây ra nhiều tranh cãi không cần thiết và đứa trẻ là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng Luật Tia Sáng tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề ông bà ngoại hay cha có quyền nuôi con sau khi mẹ qua đời.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Căn cứ theo khoản 3 Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc. Như vậy, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con và con cũng có quyền sống chung với cha mẹ.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Do cha và mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; khi mẹ qua đời, cha đương nhiên sẽ trở thành người có quyền nuôi con hợp pháp. Pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào ưu tiên cho ông bà ngoại quyền nuôi con khi người cha chưa qua đời và có đầy đủ điều kiện để nuôi con.
Tuy nhiên, khi có yêu cầu của các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền, Tòa án sẽ ra quyết định hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên trong trường hợp người cha có một trong các hành vi dưới đây:
- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Phá tán tài sản của con;
- Có lối sống đồi trụy;
- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, trong trường hợp người cha không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con hoặc bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, thì người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật dân sự sẽ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con.
Theo Điều 52 BLDS 2015, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại sẽ là người giám hộ đối với con chưa thành niên trong trường hợp nêu trên (nếu con không có anh chị ruột nào khác có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng).
Kết luận, sau khi mẹ qua đời, người cha đương nhiên có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên. Tuy nhiên, trường hợp cha bị hạn chế quyền đối với con hoặc không đủ điều kiện để nuôi con, ông bà sẽ có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cháu.
Trên đây là một vài chia sẻ của Luật Tia sáng về chủ đề “Ông bà ngoại hay cha có quyền nuôi con sau khi mẹ qua đời?”
Nếu mọi người thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share bài viết nhé.
Cảm ơn mọi người đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý, bổ sung từ mọi người để các bài viết sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.