NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CHUNG NHẤT VỀ VIỆC SINH CON BẰNG KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN
Cập nhật:
24/11/2022 22:10
Lượt xem:
519
Thực tế hiện nay ở nước ta có đến hàng triệu cặp vợ chồng có nhu cầu sinh con nhưng vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ của mình. Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời, thực sự mang lại hạnh phúc lớn lao cho biết bao cặp vợ chồng. Theo đó vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đang ngày càng phổ biến và mang ý nghĩa quan trọng
Sự ra đời của các kỹ thuật sinh sản mới là một bước tiến trong y học nhưng cũng mang lại những thách thức lớn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và pháp lý phát sinh. Bài viết dưới đây, người viết xin được phép chia sẻ các quy định pháp luật liên quan đến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Theo quy định khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”.
Nói cách khác, sinh con bằng kỹ thuật sinh sản là việc:
(i) Sử dụng các biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người phụ nữ nhằm mục đích giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có thể mang thai và có những đứa con như họ mong muốn.
(ii) Giải quyết được tình trạng vô sinh ở cả phụ nữ và nam giới do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại hay di chứng của chiến tranh để lại, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Hiện nay, có hai phương pháp chính không chỉ ngành y học Việt Nam mà toàn ngành y học các nước trên thế giới áp dụng đó là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
(i) Đối với phương pháp thụ tinh nhân tạo. Dưới góc độ y học, thụ tinh nhân tạo được hiểu là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi. Thụ tinh nhân tạo hay còn gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung là một trong những biện pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả cao hiện nay và trở thành lựa chọn của rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.
(ii) Đối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi”.
Hay nói cách khác, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp mà trứng và tinh trùng được thụ tinh bên ngoài cổ tử cung của người phụ nữ. Đây là phương pháp điều trị hiếm muộn trong các trường hợp: Tắc nghẽn ống dẫn trứng; lạc nội mạc tử cung; tinh trùng ít, yếu, dị dạng; xin trứng;… Đây cũng là biện pháp được nhiều cặp vợ chồng vô sinh, phụ nữ độc thân tìm đến và mang lại hiệu quả tương đối cao.
Những trường hợp được áp dụng sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP: “Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa”. Như vậy, pháp luật cho phép áp dụng biện pháp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong hai trường hợp: Đối với cặp vợ chồng vô sinh và đối với người phụ nữ độc thân.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Tia Sáng về chủ đề “Những vấn đề pháp lý chung nhất về việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”.
Công ty Luật Tia Sáng mong nhận được góp ý của quý độc giả để các bài chia sẻ kiến thức pháp lý của chúng tôi được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn.
Trân trọng!
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng