NGÂN HÀNG PHÁ SẢN, KHÁCH HÀNG GỬI TIỀN CÓ LẤY LẠI TIỀN ĐƯỢC KHÔNG?
Cập nhật:
15/11/2022 15:02
Lượt xem:
483
Đã từng có rất nhiều tin đồn liên quan tới việc ngân hàng phá sản làm xôn xao dư luận. Tuy nhiên, việc phá sản của một tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng không đơn giản.
1. Điều kiện tuyên bố phá sản của Ngân hàng
Việc phá sản tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 155 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Được bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 như sau:
“1. Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
2. Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.
3. Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng.”
Như vậy, nếu Ngân hàng nhà nước đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng; văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản thì Ngân hàng phải làm đơn yêu cầu Tòa mở thủ tục tuyên bố phá sản theo Luật phá sản. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu có tuyên bố phá sản của Tòa thì Ngân hàng mới được xem là phá sản.
2. Khách hàng được bồi thường bao nhiêu nếu Ngân hàng phá sản
Điều 3 Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định như sau:
“Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng).”
Khi Ngân hàng bị phá sản, khách hàng gửi tiền sẽ được bảo hiểm chi trả 125.000.000 đồng. Theo quy định cũ, khách hàng chỉ được chi trả 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng).
Ngoài ra, khách hàng còn được nhận tài sản của Ngân hàng sau khi đã được phân chia theo thứ tự. Cụ thể, thứ tự phân chia tài sản khi phá sản của Ngân hàng như sau:
“1. Việc phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng thực hiện theo thứ tự như sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…”
(Theo Điều 101 Luật Phá sản 2014)
Như vậy, nếu Ngân hàng bị phá sản, khách hàng có thể nhận được tiền bảo hiểm và một khoảng tiền từ việc chia tài sản của Ngân hàng.
Trên đây là một vài chia sẻ của Luật Tia sáng về chủ đề “Ngân hàng phá sản, khách hàng gửi tiền có lấy lại tiền được không”
Nếu mọi người thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share bài viết nhé.
Cảm ơn mọi người đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý, bổ sung từ mọi người để các bài viết sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.