Nam nữ có chung dòng máu về trực hệ chung sống như vợ chồng và thực hiện hành vi giao cấu với nhau có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Cập nhật:
01/03/2023 16:11
Lượt xem:
494
Đa số chúng ta đều đã được nghe tới quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về việc không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ. Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, duy trì sự phát triển bền vững của các thế hệ sau này. Vậy trường hợp nam nữ có chung dòng máu về trực hệ chung sống như vợ chồng và thực hiện hành vi giao cấu với nhau, bên cạnh việc vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Cùng Luật Tia Sáng tìm hiểu vấn đề trên.
Liên quan đến hành vi giao cấu với người có cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, Điều 184 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định như sau:
“Điều 184. Tội loạn luân
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Phân tích cấu thành tội phạm của Tội loạn luân:
Thứ nhất, về chủ thể của tội phạm: từ hai người, là những người từ đủ 16 tuổi trở lên, nếu một trong hai người dưới 16 tuổi hoặc bị lừa dối thì người kia phạm tội khác và người dưới 16 tuổi hoặc người bị lừa dối đó trở thành người bị hại. Chủ thể phải có cùng dòng máu về trực hệ hoặc mối quan hệ anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Thứ hai, về khách thể của tội phạm:
- Về khách thể loại: xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình, thuần phong mỹ tục mà pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
- Về khách thể trực tiếp: Tội phạm xâm phạm đến sự phát triển bình thường của thế hệ tiếp theo, vì những người cùng dòng máu trực hệ khi giao cấu với nhau mà có con thì đứa con sinh ra sẽ bị quặt quẹo, dị tật bẩm sinh.
Thứ ba, mặt khách quan:
- Hành vi khách quan: Người phạm tội loạn luân là người có hành vi giao cấu với người có cùng dòng máu trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Người có dòng máu trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông bà đối với cháu nội và cháu ngoại. Việc giao cấu giữa những chủ thể nêu trên là sự thỏa thuận, đồng tình của hai người.
- Về hậu quả: Hậu quả của Tội loạn luân không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, tội phạm hoàn thành từ khi hai người thực hiện hành vi giao cấu.
Thứ tư, mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp: người phạm tội biết rõ người mà mình giao cấu là người có dòng máu trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi giao cấu.
Đặc điểm nổi bật của Tội Loạn luân là cả hai đều tự nguyện, thuận tình giao cấu. Nếu một trong hai người bị ép buộc hoặc bị cưỡng bức thì người có hành vi ép buộc, cưỡng bức không phạm tội loạn luân mà tùy trường hợp cụ thể, người đó có thể bị truy tố về tội hiếp dâm/cưỡng dâm theo quy định tại BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Như vậy, nam nữ có chung dòng máu về trực hệ chung sống như vợ chồng và thực hiện hành vi giao cấu với nhau, nếu thuộc trường hợp đã phân tích trên đây, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội loạn luân, với hình thức phạt tù từ 01 đến 05 năm.
Trên đây là quy định pháp luật liên quan đến “Nam nữ có chung dòng máu về trực hệ chung sống như vợ chồng và thực hiện hành vi giao cấu với nhau có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?”. Để được tư vấn trong từng trường hợp cụ thể và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật, Quý khách hàng có vướng mắc vui lòng liên hệ trực tiếp đến Luật Tia Sáng để được tư vấn, giải đáp kịp thời.
CÔNG TY LUẬT TIA SÁNG
Phòng 2.3 Tầng 2, Tòa nhà Indochina, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 𝟎𝟗𝟖𝟗𝟎𝟕𝟐𝟎𝟕𝟗 (Zalo) (𝑳𝑺 𝑳ê 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒓𝒂𝒏𝒈)
ĐT: 𝟎𝟗𝟎𝟔𝟐𝟏𝟗𝟐𝟖𝟕 (Zalo) (𝑳𝑺 Nguyễn Thị Bích Ngọc)
tiasanglaw@gmail.com
https://www.facebook.com/LightLaw.TiaSang/
http://tiasanglaw.com/
Trân trọng!