HIỆU LỰC CỦA ĐIỀU KHOẢN THỎA THUẬN TRỌNG TÀI VÀ PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

Cập nhật: 24/10/2022 20:14 Lượt xem: 951

Trong các hợp đồng liên quan đến hoạt động thương mại, không khó để bắt gặp các điều khoản thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại. Ưu điểm của phương thức này đó là tính linh hoạt, tạo quyền chủ động. Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, đồng thời trọng tài tôn trọng tính bảo mật thông tin nhờ đó các bên trong tranh chấp có thể đảm bảo được uy tín của mình trên thương trường… Tuy nhiên hiệu lực của điều khoản trọng tài hay hiệu lực của phán quyết trọng tài còn là vấn đề khá mơ hồ, trong bài viết này công ty Luật tia sáng sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu

 1/ Hiệu lực của thỏa thuận Trọng tài

        a) Điều kiện áp dụng

Trước hết quan hệ tranh chấp phải phát sinh trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Trọng tài, cụ thể là những tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được áp dụng khi và chỉ khi có sự thỏa thuận của các bên, dựa trên cơ sở tự nguyện thống nhất ý chí. Các bên tham gia phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, sở dĩ nếu không đáp ứng yêu cầu này thì điều khoản thỏa thuận trọng tài sẽ đương nhiên vô hiệu

- Thời điểm các bên xác lập thỏa thuận có thể trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp

- Hình thức thể hiện của thỏa thuận trọng tài cũng là điều kiện không thể thiếu để được công nhận giá trị pháp lý. Các bên đương sự có thể xây dựng điều khoản trọng tài thành một điều khoản trong hợp đồng hoặc làm phụ lục kèm theo hợp đồng, thậm chí thể hiện dưới những hình thức khác tương đương như trao đổi telegram, fax, telex, thư điện tử…Khoản 2 Điều 16 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định rõ các hình thức xác lập điều khoản trọng tài bao gồm:

a) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

b) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

c) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

d) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.”

        b) Tính độc lập của điều khoản trọng tài

Thỏa thuận trọng tài là một bộ phận cấu thành của hợp đồng tuy nhiên lại có tính độc lập về mặt pháp lý. Điều 19 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài, theo đó điều khoản trọng tài trong một hợp đồng sẽ được xem là tách biệt với hợp đồng chính chứa đựng điều khoản đó. Đồng nghĩa với việc hiệu lực của điều khoản cũng tách bạch so với hiệu lực của hợp đồng, sở dĩ có quy định như trên là vì phần lớn các tranh chấp thường xảy ra sau khi kết thúc hợp đồng nên nếu số phận của điều khoản trọng tài gắn liền với hiệu lực hợp đồng thì phần lớn các thỏa thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu đồng thời các tranh chấp sẽ không được giải quyết.

        c) Một số trường hợp đặc biệt về hiệu lực thỏa thuận trọng tài

Điều 7 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP đã nêu ra một số trường hợp đặc biệt, cần lưu ý cụ thể:

- Trường hợp có nhiều thỏa thuận trọng tài được xác lập đối với cùng một nội dung thì thỏa thuận trọng tài được xác lập hợp pháp sau cùng theo thời gian sẽ có giá trị áp dụng

- Thỏa thuận trọng tài mang nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự để giải thích

- Thỏa thuận trọng tài giữ nguyên hiệu lực đối với bên nhận chuyển nhượng trong trường hợp chuyển giao quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà có chứa đựng điều khoản thỏa thuận trọng tài đã được xác lập hợp pháp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác

- Cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện khi thuộc một trong các trường hợp sau: các bên thỏa thuận đồng ý; quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện.

Có một điểm cần lưu ý là điều khoản thỏa thuận trọng tài không có hiệu lực tuyệt đối, có nghĩa rằng mặc dù điều khoản đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định cũng như có giá trị pháp lý tuy nhiên lại không được mặc nhiên áp dụng. Cụ thể là trong quan hệ tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 sửa đổi bổ sung 2018 quy định trước khi giao kết hợp đồng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ thông báo và phải được sự chấp thuận của người tiêu dùng về điều khoản trọng tài. Trường hợp điều khoản trọng tài do phía nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp người tiêu dùng được ưu tiên có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Đồng thời Luật trọng tài thương mại 2010 cũng quy định về quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, theo đó mặc dù điều khoản thỏa thuận trọng tài đã được ghi nhận và do nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ soạn sẵn thì người tiêu dùng vẫn có quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp nhận

        d) Thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Thỏa thuận trọng tài vô hiệu là những thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được do vi phạm hoặc không đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài

- Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền hoặc không có năng lực hành vi dân sự

- Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài vô hiệu

- Hình thức của thỏa thuận trọng tài không phù hợp với quy định

- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật

2/ Phán quyết trọng tài

        a) Khái niệm

Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài. Nguyên tắc ra phán quyết trọng tài được Luật trọng tài thương mại 2010 quy định như sau:

- Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số

- Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài

- Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng. Các bên có quyền yêu cầu Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài vụ việc cấp bản sao phán quyết trọng tài

        b) Hiệu lực của phán quyết trọng tài

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 61 Luật trọng tài thương mại 2010 thì “Phán quyết trọng tài mang giá trị chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành”, được đảm bảo thi hành theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, nhà nước cũng khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài.

Chủ thể có quyền yêu cầu thi hành phán quyết quyết trọng tài là bên được thi hành phán quyết. Bên được thi hành phán quyết có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài trong hoặc sau khi hết thời hạn thi hành phán quyết mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành phán quyết. Từ những quy định trên, có thể thấy giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài được xem là tương đương với bản án.

 

Bình luận

Tìm kiếm về pháp luật để thắc mắc của bạn được giải đáp

VD: đơn ly hôn ly hôn đơn phương tư vấn luật tư vấn pháp luật đơn khởi kiện công ty luật luật sư tư vấn

Liên hệ với chúng tôi

Hãy gửi câu hỏi của bạn đến với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất

Tin xem nhiều nhất

Ngày đăng: 21/04/2023
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Khi tiến hành thu hồi, người đang sử dụng đất sẽ không còn quyền sử dụng ...

HÃY GỬI CÂU HỎI CỦA BẠN
ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TỐT NHẤT

Về đầu trang