Điều kiện, người có quyền yêu cầu thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn.
Cập nhật:
23/12/2022 12:23
Lượt xem:
699
Khi giải quyết việc ly hôn giữa các bên vợ chồng, Tòa án sẽ giải quyết về việc giao con chung cho một bên vợ, chồng trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc với điều kiện tốt nhất cho trẻ. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, có nhiều trường hợp dẫn đến việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Điều kiện thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn?
Khi giải quyết việc ly hôn giữa các bên vợ chồng, Tòa án sẽ giải quyết về việc giao con chung cho một bên vợ, chồng trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc với điều kiện tốt nhất cho trẻ. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, có nhiều trường hợp dẫn đến việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, cụ thể:
Căn cứ tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
+ Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
+ Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
- Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Ai được yêu cầu thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn?
Theo khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
"1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con."
Ngoài ra, căn cứ khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định thì nếu người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì các cá nhân, tổ chức sau đây có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con gồm:
- Người thân thích, được quy định khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cụ thể: đây là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi ba đời. Do đó, người thân thích có thể là ông, bà, cô, dì, chú, cậu, mợ…
- Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, trẻ em: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Hội Liên hiệp phụ nữ.
Như vậy, theo quy định này, người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn là cha, mẹ, người thân thích hoặc cá nhân, tổ chức quản lý Nhà nước về gia đình và trẻ em.
Trên đây là một vài chia sẻ của Luật Tia sáng về chủ đề “Điều kiện, người có quyền yêu cầu thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn”
Nếu mọi người thấy bài viết này hữu ích thì hãy like và share bài viết nhé.
Cảm ơn mọi người đã xem, mong nhận được phản hồi góp ý, bổ sung từ mọi người để các bài viết sau của chúng tôi được hoàn thiện hơn.