AI LÀ NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHỨNG LẬP DI CHÚC THỪA KẾ?
Cập nhật:
30/11/2022 21:33
Lượt xem:
713
Hiện nay, người dân ngày càng chú trọng lựa chọn việc lập di chúc để thể hiện ý chí định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Một trong những hình thức của di chúc được người dân quan tâm đó là di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người lập di chúc đã lựa chọn người làm chứng không phù hợp quy định pháp luật dẫn đến di chúc của họ không có giá trị pháp lý. Vậy, bài viết sau đây của Công ty Luật Tia Sáng sẽ làm rõ quy định về vấn đề “Ai là người không được làm chứng lập di chúc thừa kế?”
Theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015 về người làm chứng cho việc lập di chúc thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Như vậy, bất kỳ ai cũng có thể là người làm chứng ngoại trừ những trường hợp nêu trên.
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc
Theo Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Theo Điều 624, 626 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thừa kế theo di chúc có thể hiểu là người được người lập di chúc chỉ định cho hưởng thừa kế tại di chúc.
Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015, Người thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự do pháp luật quy định. Tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, hàng thừa kế được quy định như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc
Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc là một trong những trường hợp không được làm chứng đối với di chúc. Theo quy định tại Điều 626, 646 Bộ luật Dân sự 2015 thì người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc có thể hiểu là người được người lập di chúc dành một phần tài sản để tặng, người quản lý di sản, người phân chia di sản, v.v…
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015.
Người mất năng lực hành vi dân sự là một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015.
Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ theo khoản 1 Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015.
KẾT LUẬN
Không phải bất kỳ ai cũng có thể là người làm chứng khi người để lại di sản lập di chúc. Vì vậy, khi lập di chúc cần lưu ý những trường hợp không được làm chứng theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị pháp lý của di chúc.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Tia Sáng về chủ đề “Ai là người không được làm chứng lập di chúc thừa kế?”
Công ty luật Tia Sáng mong nhận được góp ý của quý độc giả để các bài chia sẻ kiến thức pháp lý của chúng tôi được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn.
Trân trọng./.
Chuyên viên pháp lý Trịnh Hàn Kim Ngọc