Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu dựa trên 3 tiêu chí
Cập nhật:
17/09/2018 10:56
Lượt xem:
692
Nhãn hiệu là gì, thương hiệu là gì, nhãn hiệu và thương hiệu có gì khác nhau?… Đây là những câu hỏi mà chúng tôi thường nhận được từ phía khách hàng trong quá trình tư vấn đăng ký nhãn hiệu. Trước hết Tia Sáng chúng tôi khẳng định nhãn hiệu và thương hiệu là hai khái niệm khác nhau và để biết khác nhau như thế nào, quý khách vui lòng tham khảo thông tin ngay tại bài viết dưới đây!
1. Khái niệm nhãn hiệu và thương hiệu
Nhãn hiệu (Marks) được định nghĩa tại Khoản 16 Điều 4 Luật SHTT sửa đổi năm 2009 là dấu hiệu để phân biệt sản phẩm hàng hóa/dịch vụ của tổ chức, cá nhân này với sản phẩm hàng hóa/dịch vụ của tổ chức cá nhân khác.
Còn thương hiệu (Brands) theo định nghĩa của Tổ chức SHTT thế giới WIPO là dấu hiệu để nhận biết một sản phẩm hàng hóa/dịch vụ nào đó được sản xuất/cung cấp bởi một cá nhân/tổ chức nào đó.
2. Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu dựa trên các tiêu chí
Nếu như dựa vào khái niệm như trên thì rất khó để phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu. Thay vào đó, Luật Việt Tín sẽ hướng dẫn quý khách phân biệt dựa trên 3 tiêu chí sau đây:
Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu dựa trên phương diện pháp lý
Luật SHTT Việt Nam chỉ mới có định nghĩa về nhãn hiệu chứ chưa có định nghĩa về thương hiệu. Do đó chỉ có nhãn hiệu mới được bảo hộ quyền SHTT và các đối thủ khi muốn cạnh tranh chỉ có thể làm giả nhãn hiệu.
Nhãn hiệu là đối tượng của Luật SHTT Việt Nam nên được các cơ quan chức năng nhà nước công nhận và bảo hộ là điều đương nhiên, còn thương hiệu lại là kết quả phấn đấu của doanh nghiệp và được người tiêu dùng công nhận và ghi nhớ trong lòng.
Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu dựa trên phương diện vật chất
Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu
Nhắc đến thương hiệu chắc chắn bạn sẽ nghĩ đến hình tượng về hàng hóa/dịch vụ trong tâm trí người tiêu dùng.
Chẳng hạn như khi nói đến xe ô tô Rangrover thì người tiêu dùng có thể nghĩ ngay đến sự đẳng cấp, sang chảnh hay nói đến sản phẩm của Lock&Lock thì nghĩ ngay đến sự an toàn cho sức khỏe… Điều này có nghĩa thương hiệu là hình tượng trong tâm trí người tiêu dùng. Còn nhãn hiệu lại là từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng… có thể nhìn thấy được bằng mắt, giúp người tiêu dùng nhận diện hàng hóa/dịch vụ.
Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu dựa trên thời gian tồn tại
Một điều rất dễ thấy đó là thương hiệu luôn có thời gian tồn tại lâu hơn nhãn hiệu. Cụ thể thương hiệu sẽ ở trong tâm trí người tiêu dùng mãi mãi theo thời gian còn nhãn hiệu sẽ bị biến đổi do các tác động từ bên ngoài và được bảo hộ trong thời gian có hạn. Hay nói cách khác, một thương hiệu nổi tiếng sẽ tồn tại mãi mãi theo thời gian còn nhãn hiệu chỉ có giá trị pháp lý trong một khoảng thời gian nhất định.
Chung quy lại dễ hiểu nhất đó là nhãn hiệu chính là phần xác còn thương hiệu chính là phần hồn và vì vậy nhãn hiệu là sự thể hiện của thương hiệu. Doanh nghiệp có thể có nhiều nhãn hiệu nhưng sẽ chỉ có một thương hiệu. Chẳng hạn thương hiệu Honda có rất nhiều nhãn hiệu như Wave, SH, Airblade, Lead, Vision…